Người đứng đầu ngành giáo dục băn khoăn hiện có khoảng 70.000 người học ngành sư phạm ra trường chưa có việc làm.
Trong khi đó, các cơ sở đào tạo ngành sư phạm quá nhiều và phân tán khắp cả nước (120 trường có đào tạo ngành sư phạm) dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đào tạo giáo viên ra trường có việc làm, Bộ sẽ rà soát, quy hoạch lại các trường đào tạo ngành sư phạm tập trung, thay vì dàn trải ở nhiều địa phương gây lãng phí thời gian học tập và chi phí cho người học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Ông Nhạ lưu ý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là trường trọng điểm phía Nam về đào tạo giáo viên phổ thông, trong lộ trình nâng cao chất lượng cần chuẩn hóa đội giảng viên, chuẩn hóa chương trình đào tạo sư phạm mới. Trong đó, đội ngũ giảng viên tham gia xây dựng bài giảng cho giáo viên phổ thông đạt chuẩn.
Ngoài phát triển chuẩn hóa đội ngũ, thời gian tới các trường đại học sư phạm cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên ở các trường phổ thông, xây dựng giáo trình điện tử trong gói đào tạo lại giáo viên phổ thông.
“Hiện cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên, đời sống của họ còn nhiều khó khăn, chế đội đãi ngộ còn thấp khiến việc thu hút người tài trong vào ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn” - ông Nhạ nói.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kiến nghị Bộ GD&ĐT để trường thành lập trung tâm khảo thí phục vụ cho thi theo hướng đánh giá năng lực. Đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực ngoại ngữ khu vực.
Trung tâm này có từ 25 đến 35 phòng máy, mỗi phòng trang bị 40 máy tính với kinh phí 30 tỉ đồng; Bộ GD&ĐT mở rộng chỉ tiêu đào tạo giảng viên theo chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ nước ngoài để nâng chất lượng đội ngũ giảng viên…