Ngày 19-5, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo để giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 22-5 và bế mạc vào 23-6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.
Tại kỳ họp này, Quốc hội có một tuần nghỉ từ 11-6 đến 18-6 để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết.
Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm VPQH cho hay Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tám dự án Luật, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Và ba dự thảo Nghị quyết là: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm VPQH thông tin về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV |
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến chín dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi),Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bên cạnh các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, Quốc hội sẽ làm công tác nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Ông Phạm Thái Hà giới thiệu cơ bản về nội dung dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Đáng chú ý, trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 có Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo thông tin họp báo, được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023.
Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023 cũng cho ý kiến vào dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5-2024.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có điểm đáng chú ý là: bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khơi thông nguồn lực cho TP.HCM phát triển
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều.