Sáng nay, ĐB Lưu Bình Nhưỡng trong phần tranh luận với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã đề cập vụ Thuận Phong.
“Tôi đã trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vụ Thuận Phong. Đây không phải là vấn đề xử lý doanh nghiệp, mà phải khởi tố để làm rõ để đảm bảo công bằng cho cả công ty và nông dân”, ĐB Nhưỡng nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay: Do Bộ NN&PTNT trả lời chưa đạt yêu cầu, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN chưa trả lời về kết quả giám định nên Công an Đồng Nai chưa khởi tố vụ Thuận Phong.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết: Thuận Phong là vụ việc các đại biểu quan tâm. Giờ phải xác định công ty này có mua bán, sản xuất phân bón giả không. "Chúng tôi đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố trước đây và thụ lý theo quy định. Vừa rồi Công an Đồng Nai đã yêu cầu giám định để trả lời phân bón có giả mạo về chất lượng, mẫu mã hay không?”.
Viện trưởng Lê Minh Trí thông tin tiếp: Hiện nay Bộ NN&PTNN đã trả lời về kết quả giám định nhưng không đạt yêu cầu. Hai bộ Công Thương và KH&CN thì chưa trả lời.
“Mà quy định là chưa có trả lời thì chưa xem xét khởi tố được”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói: Đây là vụ việc cụ thể, liên quan đến 70% dân số VN và là điển hình cho phân bón giả. QH cũng đã biết vụ việc này đã được chất vấn hai kỳ họp trước đây. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã trả lời và đề nghị không tiếp tục tranh luận.
Các bộ, ngành thì đã có sáu bộ trả lời. Bộ Tư pháp mới đây đã kết luận là sản xuất phân bón giả, xuất nhập khẩu hàng cấm. "Vừa rồi có thông tin là Công an Đồng Nai làm việc với Ban Nội chính, đề nghị khép lại vụ việc. Cái này bốn năm rồi, chúng ta phải làm vì nông dân", ông nói.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận: Vụ Thuận Phong, với tất cả các tài liệu và báo cáo của các cơ quan chức năng, tôi cho rằng đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt mối quan hệ nhân quả giữa ý chí chủ quan và hành vi khách quan.
"VKSND Tối cao được Quốc hội và nhân dân trao cho quyền kiểm soát, giám sát tư pháp, nắm trong tay "thượng phương bảo kiếm" để rút ra mỗi khi quyền lợi của nhân dân bị xâm phạm… Tôi đánh giá rất cao hành động của VKSND Tối cao trong vụ Xin Chào. Nhưng với vụ Thuận Phong, tôi mong những bằng chứng cấu thành tội phạm đã rõ thì quan trọng là ý chí của viện trưởng. Tôi mong vụ này mau được khởi tố" - ông nói...
Về vấn đề này, chủ tịch Quốc hội đề nghị viện trưởng có báo cáo bằng văn bản cho đại biểu vì đây là vụ việc được dư luận quan tâm.
Cách đây một năm, khi trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã cho biết: Trong vụ việc phân bón Thuận Phong, sáu bộ, ngành đã có những tranh luận về “thành phần chất chính và thành phần chính”. Và cuối cùng, “chất chính” trong phân bón của Thuận Phong là dưới 70% nên không đạt. “Như vậy, theo quy định của pháp luật (phân bón Thuận Phong - PV) là giả”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói. Theo Phó Thủ tướng, việc sử dụng kết quả của các bộ, ngành trả lời là do cơ quan tư pháp. Nếu cần thì cơ quan tư pháp trưng cầu giám định. Và VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai hủy quyết định phê chuẩn quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai. CQĐT Đồng Nai đã hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật. “Như vậy là CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra. Còn việc có tội hay không có tội thì phải thông qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử và tòa án sẽ quyết định theo thẩm quyền. Quá trình này thì Ủy ban Tư pháp QH, Mặt trận đều có thể giám sát”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói. Cuối cùng, Phó Thủ tướng kết luận: “Trách nhiệm hiện nay thuộc về các cơ quan tư pháp. Tôi đề nghị chúng ta chờ sự giám sát của Ủy ban Tư pháp và chúng ta không nên tranh luận tiếp về vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội”. Trước đó, ngày 30-10-2017, cũng tại Quốc hội, đại biểu Hồ Văn Năm của tỉnh Đồng Nai khẳng định quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý vụ Thuận Phong vì vụ việc này ảnh hưởng lớn tới người nông dân. Ông Năm cho biết: "Vụ Thuận Phong lúc đầu do các cơ quan trung ương phát hiện và chuyển giao cho Đồng Nai xử lý. Các cơ quan trung ương yêu cầu xử lý Thuận Phong về tội buôn bán hàng giả, thế nên phải giám định. Nhưng khi giám định thì lại có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ". ĐB Năm còn cho biết: Vụ Thuận Phong đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an xử lý. Bộ Công an lại giao về cho Đồng Nai xử lý. "Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố", ĐB Năm nói. |