Giải pháp bọt biển cho Dubai sau khi bị nước 'đánh úp'

(PLO)- Nhà chức trách Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) đang tìm cách khắc phục khả năng thoát nước cho TP, sau trận lũ lịch sử gần đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào tuần trước, du khách đến khu trượt tuyết nhân tạo nổi tiếng của trung tâm mua sắm Emirates, Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE) nhận thấy nơi đây tối tăm và vắng vẻ. Mặc dù trung tâm mua sắm vẫn chật kín khách du lịch, nhưng khu vực trượt tuyết im lặng cho thấy mọi chuyện không ổn. Trên thực tế, khu trượt tuyết này bị mất điện vì lũ.

Theo tờ Financial Times, vài ngày sau khi UAE đón lượng mưa dữ dội, nhiều con phố xung quanh trung tâm mua sắm Emirates đã bị nước bao phủ. Nhiều chiếc ô tô, trong đó có các chiếc ô tô hạng sang, bị bỏ lại và nằm rải rác trên những con đường gần trung tâm thương mại.

Lượng lớn nhà cửa vẫn không có điện và nước sinh hoạt. Do đó, nhiều người phải đến trung tâm thương mại để sử dụng điện nhờ và tắm rửa trong nhà vệ sinh công cộng.

Tình trạng thiếu điện nước sau cơn bão vừa qua đặt ra một mối đe dọa mới cho UAE. Theo đó, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của quốc gia Ả Rập giàu có này.

Lu-lut-o-Dubai.jpg
Ngập lụt ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) trong tháng 4. Ảnh: AP

75 năm mới có một lần

Nước mưa vẫn đọng lại ở một số khu vực và bắt đầu bốc mùi, hơn một tuần sau cơn bão đi qua. Nhà chức trách Dubai cam kết chi 545 triệu USD để khắc phục thiệt hại do trận mưa bão.

Financial Times dẫn lời một chuyên gia khí hậu và môi trường đô thị cho biết: “Theo truyền thống, Dubai và UAE không phải lo lắng về việc có quá nhiều mưa nên đây không phải là một phần trong tính toán quy hoạch của họ. Điều đó sẽ phải thay đổi”.

Bà Somia Anwar – chủ hiệu sách Bookends – cho biết: “Bạn sẽ không nghĩ rằng khi mở một cửa hàng ở Dubai, bạn phải nghĩ đến phần chống thấm”.

Khi nước tràn vào cửa hàng của bà Anwar, bà cho biết: “Tôi có cảm giác như đang ở trong tàu Titanic”. Sau khi nước được bơm ra, bà Anwar phải xử lý 10.000 cuốn sách bị nước làm hư hỏng và không được bảo hiểm chi trả.

Các nhà khoa học cho biết lượng mưa lớn đã trở nên nghiêm trọng hơn từ 10% đến 40%, khi hiện tượng El Niño xuất hiện. Các nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính khiến thời tiết biến đổi.

Biến đổi khí hậu khiến UAE phải đối mặt mùa hè nóng hơn bao giờ hết khi nhiệt độ lên tới trên 50 độ C và phải đối mặt thời tiết ẩm ướt hơn.

Nhà chức trách Dubai cho biết đợt mưa lớn vừa qua là lớn nhất trong 75 năm qua. Tuy nhiên, trận lụt do lượng mưa này gây ra không phải là hiện tượng hiếm. Tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên đến mức cơ quan giao thông Dubai phải mở một trung tâm kiểm soát lũ lụt vào tháng 1.

Video lũ lụt ở Dubai. Nguồn: FINANCIAL TIMES

Bà Suzanne Gray – GS khí tượng học cho biết: “Đây không phải là những sự kiện hiếm gặp ở Trung Đông”.

Các nhà khoa học cũng xác nhận kỹ thuật gieo hạt trên đám mây, vốn được UAE sử dụng để tạo mưa, không phải là nguyên nhân gây nên trận mưa lớn vừa rồi. Nguyên nhân chính là do sự kết hợp của nhiều cơn giông cấp độ cao.

Đâu là giải pháp?

Với việc UAE đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 vào năm 2023, nhận thức về mối nguy hiểm của biến đổi khí hậu đã rõ ràng hơn trong giới lãnh đạo của nước này. Quốc gia này cũng đã có kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ đô Abu Dhabi của UAE đã vượt qua cơn bão vừa qua tốt hơn so với trung tâm tài chính và thương mại Dubai. Dubai là TP có dân số đông nhất UAE và là nơi có sân bay bận rộn thứ hai thế giới. Do đó, cơn bão vừa qua buộc UAE phải hủy hơn 1.000 chuyến bay, khiến hành khách mắc kẹt trong nhiều ngày.

“Cơ sở hạ tầng đã được xây dựng trước khi quá trình thay đổi thời tiết này xảy ra. Trong một số trường hợp nhất định, chất lượng xây dựng của cơ sở hạ tầng không đủ tốt” – giám đốc điều hành một công ty bảo hiểm cho biết. Người này cho rằng rất khó để xác định thiệt hại trong thời điểm này.

Một chuyên gia quy hoạch đô thị ở Dubai cho biết TP này đặc biệt dễ bị lũ lụt vì nó tương đối bằng phẳng, được phủ bằng bề mặt bê tông và nhựa đường không thấm nước, đồng thời cát sa mạc không cho thảm thực vật phát triển trong khi thảm thực vật này có thể hấp thụ nước lũ.

Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề thoát nước là mực nước ngầm đã quá bão hòa do tưới tiêu và rò rỉ đường ống dẫn nước. Đây là một vấn đề phổ biến ở vùng Vịnh. Ông Hrvoje Cindrić – một nhà quy hoạch đô thị Trung Đông – cho biết các TP ở vùng Vịnh "thực sự đang nổi" nên khi Dubai bị lũ lụt, “nước không có nơi nào để đi”.

Trong nhiều năm qua, nhà chức trách Dubai đã xem xét cải tạo các hệ thống thoát nước toàn diện nhưng chỉ thực hiện được một số công việc nhỏ, do chi phí cao.

“Bạn sẽ không tính toán đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. [Nhưng sau cơn bão], lũ lụt không chỉ có trên lý thuyết. Nó đã xảy ra và cái giá phải trả là có thật” – bà Huda Shaka, một nhà quy hoạch đô thị tại Dubai, cho biết.

ftcms_f39cbbfb-1291-4384-84ba-e2ed579aa72d.jpg
Trận lũ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động ở Dubai. Ảnh: AP

Sau trận lũ lụt, Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan lệnh cho các quan chức tăng cường giám sát cơ sở hạ tầng của quốc gia và “hạn chế thiệt hại [do lũ lụt] gây ra”

Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho biết Dubai có thể áp dụng nguyên tắc “thành phố bọt biển”, lập kế hoạch chống ngập lụt chi tiết và phân bổ các khu vực có bề mặt dễ thấm để thoát nước tốt hơn. Một cựu quan chức của Dubai cho rằng: “Với những thiệt hại mà nhiều tòa nhà phải gánh chịu, có thể cần phải có những quy định xây dựng chặt chẽ hơn”.

Trong khi đó, bà Shaka cho rằng: “Giờ đây, chi phí để giảm thiểu [thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt] không còn là vô lý nữa. Đôi khi cần có một sự kiện cực đoan thì người ta mới hành động”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm