Trồng cây cả năm chỉ đợi đến ngày hái quả. Nhưng sau một vụ mùa cày cuốc, nông dân ở nhiều tỉnh đang khóc ròng vì giá nông sản xuống thấp, ứ đọng đầy đồng mà không có người mua.
Khoai lang chưa tới 1.000 đồng/kg, giá thu mua ớt cũng giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg và nhiều nông sản khác cũng chung “số phận”.
Để giảm bớt áp lực cho lượng nông sản bị ứ đọng, nhiều địa phương tính đến phương án chế biến, sấy khô. Trong ảnh: Sản phẩm mít sấy khô tại Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp. Ảnh: NH
Hàng loạt nông sản rớt giá, không có người mua
Một ngày cuối tháng 6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết khoai lang của tỉnh trước giờ đều được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đồng thời do trùng vụ thu hoạch khoai lang của Trung Quốc, chi phí vận chuyển tăng cao nên giá thành không cạnh tranh được, thương lái không về thu mua khoai lang của bà con nữa.
Do đó, giá khoai lang tại Đồng Tháp đang xuống rất thấp. Thời điểm hiện nay, thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn 50.000-60.000 đồng/tạ (60 kg), tính ra chưa đến 1.000 đồng/kg.
“Với mức giá này bà con nông dân đang lỗ nặng” - bà Thủy chia sẻ. Hiện số lượng khoai lang ở Đồng Tháp đang thu hoạch cần tiêu thụ khoảng 3.000 tấn.
Tại Quảng Ngãi cũng đang vào vụ thu hoạch ớt. Năm 2021, sản lượng ớt bình quân ước tính đạt hơn 26.400 tấn, tăng hơn 6.500 tấn so với năm 2020. Tuy nhiên, giá bán hiện tại của ớt chỉ 3.000-4.000 đồng/kg, giảm 23.000-27.000 đồng/kg so với đầu mùa và giảm giá mạnh so với cùng kỳ những năm trước. Giá bán rẻ bèo khiến nhiều người dân trồng ớt ở các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, TP Quảng Ngãi khóc ròng.
Ông Lê Văn Nghiêm, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhận xét: “Tiền công hái ớt còn cao hơn tiền bán ớt. Không có người mua nên người dân đành để ớt chín rụng ngoài đồng”.
Nguyên nhân khiến ớt giảm giá mạnh vì vùng trồng ớt của tỉnh Quảng Ngãi không thuộc vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất chế biến ớt trong nước. Trong khi đó, dù Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng ớt, tuy nhiên diện tích trồng ớt tại các địa phương thuộc tỉnh vẫn tăng mạnh.
Không chỉ khoai lang, ớt, mà nhiều mặt hàng nông sản khác như xoài cát Hòa Lộc, chanh, thanh long, bơ, dứa... cũng giảm giá mạnh. Đơn cử tại Đắk Lắk, bơ booth trái vụ lao dốc, trước đây trung bình khoảng 30.000 đồng/kg nhưng vừa qua có thời điểm xuống còn 6.000 đồng/kg; cây dứa trước đây giá bán xô khoảng 10.000-12.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện nay giá xuống thấp còn khoảng 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân hạn chế tiêu dùng, cung vượt cầu.
Xắn tay áo giúp bà con
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết để tìm thị trường tiêu thụ cho khoai lang, trong suốt một tháng qua, sở này liên tục kết nối với các kênh thị trường nội địa.
“Hai kênh tiêu thụ thường xuyên khoai lang của tỉnh là hệ thống siêu thị Big C và Co.op mart nhưng còn các kênh tiêu thụ khác đang bị chậm lại. Không còn cách nào khác, chúng tôi đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp chế biến đưa khoai lang vào sấy khô, nghiền thành bột, làm nui, bún...” - bà Thủy nói.
Ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp, thông tin để tháo gỡ khó khăn cho bà con, từ đầu vụ đến nay công ty đã thu mua được khoảng 400 tấn khoai lang về chế biến làm khoai lang sấy. Hiện kho dự trữ của công ty đã đầy, phải tạm ngừng thu mua 10 ngày nay.
“Nhờ bảo quản nguyên liệu, chế biến sấy khô nên củ khoai lang có thể kéo dài thời gian sử dụng đến hai năm. Tuy nhiên, việc dự trữ chỉ là tình huống bắt buộc do mùa vụ, còn để lâu thì không ổn vì chi phí điện, kho lạnh, bảo quản... rất tốn kém” - ông Hiệp nêu thực tế.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đánh giá: Dịch COVID-19 đã dẫn đến sự bất cân xứng về thị trường xuất khẩu. Sáu tháng đầu năm, cơ cấu thị trường Mỹ đã vượt qua thị trường Trung Quốc. Cạnh đó, thị trường trong nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM hệ thống các siêu thị, chợ truyền thống bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (hàng loạt chợ đóng cửa - PV) nên nhiều hàng hóa, nông sản rất khó tiêu thụ.
“Giải pháp lúc này mà bộ đã chỉ đạo là làm quen dần với việc xúc tiến tiêu thụ hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi cũng đã làm việc với các tham tán Việt Nam tại Trung Quốc và hội nghị trực tuyến với các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho bà con” - ông Toản nói.
Kinh nghiệm từ quả vải Bắc Giang
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, kiến nghị để khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, ứ đọng nông sản, cần phát huy kinh nghiệm từ trường hợp quả vải ở Bắc Giang.
“Kiến nghị rà soát đánh giá lại một số cây trồng chủ lực có diện tích lớn, sản xuất tập trung từ các địa phương. Sau đó có kế hoạch triển khai thông tin kết nối thị trường, cung cấp thông tin để làm sao một số cây ăn quả, giống như quả vải ở Bắc Giang được tiêu thụ tốt. Như vậy sẽ dần dần hạn chế được tình trạng được mùa rớt giá” - ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng từ câu chuyện quả vải thiều ở Bắc Giang cho thấy vấn đề không phải là tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà là mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững. Do vậy, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động.
Đồng thời có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung - cầu. Cạnh đó cần tính toán lại thời vụ, tránh trùng thời vụ với nước mà chúng ta xuất khẩu nông sản qua, thậm chí là những nước thứ ba xuất khẩu sang thị trường đó.
“Nếu làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin cung - cầu thì chắc chắn nông sản không bị ùn ứ, dù trong bối cảnh có hay không có dịch COVID-19” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Triển khai hệ sinh thái hỗ trợ tiêu thụ nông sản Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết để thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, cục này đang chủ trì và phát triển hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ), là nền tảng được phát triển dưới dạng app mobile ứng dụng. Trong khuôn khổ của hệ sinh thái này, bên cạnh các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, cục chủ trương hỗ trợ và kết nối đa kênh. Hình thức này vừa liên kết với các đơn vị logistics, các sàn thương mại điện tử, vừa tiếp cận với các điểm tiêu thụ trực tiếp từng bước hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con. Bộ Công Thương cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada và mang lại hiệu quả tích cực. Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các ngành liên quan đồng loạt mở các điểm kết nối tiêu thụ nông sản đến người tiêu dùng.
Bán những gì khách hàng cần Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang ngày 28-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận xét rằng sản xuất nông nghiệp còn bị động, thiếu sự kết nối thông qua hệ thống dữ liệu số, dẫn đến mù mờ về thông tin. Người sản xuất thiếu thông tin về thị trường, thị trường thiếu thông tin về sản xuất khiến mối liên kết cung - cầu bị đứt gãy. Điều này dẫn đến điệp khúc được mùa rớt giá, phải giải cứu nông sản. Giải cứu nông sản là vấn đề có tính chu kỳ của việc sản xuất không gắn với thị trường. Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, qua đó để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp. Ban đầu có thể không nhiều nhưng chất lượng hơn. “Về lâu dài, khi nông sản có thương hiệu, lợi nhuận sẽ cao hơn, chi phí sản xuất thấp và phải hướng tới mục tiêu “mình bán những gì khách hàng cần, chứ không phải bán những gì mình có““ - Bộ trưởng nói. |