Học xong, con về xây đảo!

Chín năm trước, Phan Thị Thu Quyền (học sinh lớp 9A2 Trường THCS-THPT Hồng Hà, TP.HCM) đã cùng gia đình rời đất liền để bắt đầu một cuộc sống ở Song Tử Tây theo chủ trương của Nhà nước. Năm năm sau, Quyền nhận được học bổng “Ươm mầm tương lai” của Quỹ Vừ A Dính và trở lại đất liền để học tập.

Chưa bao giờ dưới 9 phẩy

Những câu hát về Trường Sa của em Phan Thị Thu Quyền vang lên từ phòng học nhỏ của lớp 9A2: “Không xa đâu Trường Sa ơi…”. Căn phòng rưng rưng, chùng lại. Quyền xúc động: “Học xong con sẽ về xây đảo!”.

Câu hứa chắc nịch ấy, Quyền đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần với chúng tôi và với thầy giáo chủ nhiệm của em - thầy Bùi Viết Hoàng. “Con muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch tài giỏi, quay về Song Tử Tây của con. Sau này, nhất định con phải xây dựng một ngôi trường ở Song Tử Tây” - Quyền nắm chặt tay, ánh mắt đầy cương quyết.

Để phấn đấu cho ước mơ ấy, mỗi ngày Quyền không ngừng học tập, trau dồi kiến thức cùng những kỹ năng cần có. Suốt những năm học tập tại Trường THCS-THPT Hồng Hà, Quyền luôn là một trong những học sinh xuất sắc của lớp. “Điểm toán và điểm nhiều môn khác của Quyền chưa bao giờ dưới 9 phẩy” - thầy Hoàng tự hào.

Không chỉ là học sinh giỏi, Quyền còn là cô bé đa tài, vừa hát hay, lại kể chuyện giỏi, có khả năng thuyết trình, dẫn chương trình, múa và biên đạo múa.

Phan Thị Thu Quyền trong giờ học toán của thầy giáo chủ nhiệm Bùi Viết Hoàng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ăn gì cũng nhớ Trường Sa

Những ngày mới vào thành phố học, Quyền bỡ ngỡ nhiều. “Lúc mới vào học, Quyền ngây thơ, mộc mạc lắm. Ăn cơm với cá thì em bảo cá ở đây không ngon bằng cá ở đảo, ăn rau thì em bảo rau ở đây không ngon bằng rau mẹ trồng” - thầy Hoàng kể. Thầy bảo bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, Quyền đều kể về Song Tử Tây, về biển, đảo, về những chuỗi ngày em bắt cá, bắt sò, trồng rau, nuôi gà, chơi ô làn, chơi bán bánh làm bằng đất-nước và lấy lá cây làm tiền...

Với Quyền, Song Tử Tây là bảy hộ dân cùng đùm bọc cơm áo, tối lửa tắt đèn có nhau, có miếng rau cũng chia cho đủ; là những đêm nằm yên nghe sóng biển, là những trưa nóng hầm vì không có điện... “Ở đảo không có trường lớp bục giảng khang trang, không có điện và thiếu thốn rất nhiều. Nhưng bù lại ở đó có sự đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân nên cuộc sống dẫu có cực cũng ấm áp lắm” - Quyền xúc động nói.

Ngày vào đất liền, em không quên mang theo chậu hoa ốc nhảy. Đây là chậu hoa được làm từ vỏ của những con ốc nhảy mà Quyền và các em nhỏ nhặt ở bờ biển Song Tử Tây rồi cùng các chiến sĩ tẩn mẩn kết với các thân cây làm từ dây thép và giấy màu, đặt vào chậu hoa nhỏ nhắn. Quyền bảo: “Đây là kỷ vật quý giá nhất với chúng em, mỗi lần nhìn thấy nó, em đều nhớ về đảo và ý thức rằng đảo đang chờ mình nên bây giờ phải cố gắng học tập thật giỏi, không được lười nhác”.

Chúng tôi nối máy ra đảo Song Tử Tây, nghe tiếng sóng biển vỗ ầm ào khi màn đêm đã buông xuống. Đầu dây bên kia là một giọng nói ấm áp của cô Đặng Thị Liễu - mẹ của Thu Quyền. Cô Liễu bùi ngùi: “Ngày đó, khi nghe Nhà nước có chủ trương vận động bà con ra đảo sinh sống, ba bé Quyền cũng quyết tâm lắm, mong được góp chút công sức để giữ vững chủ quyền biển, đảo…”.

Ý thức chủ quyền thiêng liêng đã được truyền lại cho Thu Quyền, để giờ đây đã thấm vào tận sâu những suy nghĩ và hành động của cô gái vừa tròn 15 tuổi. Em là một trong 53 đại biểu tiêu biểu của TP.HCM tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội ngày 6-12.

Tôi biết ước mơ của Quyền là được về phục vụ cho đảo Song Tử Tây và tôi rất ủng hộ em. Do đó mà thời gian qua Trường THCS-THPT Hồng Hà luôn chú trọng đào tạo cho Quyền và một số em ở biển, đảo về đây học có tư duy sáng tạo và nhiều kỹ năng sống để sau này các em quay về xây dựng địa phương vững mạnh.

HÀ THỊ KIM SA,
Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm