“Ông ngoại ơi, ông ngoại đừng có chết nha… ông ngoại mà chết là tụi con không có kẹo bông gòn ngon để ăn” – Câu nói thân thương mà tụi học trò thường nói mỗi khi gặp ông ngoại, người hơn 40 năm rong ruổi khắp Sài thành cùng kẹo bông gòn 'dệt' nên tuổi thơ của bao thế hệ học trò.
Lần theo con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đản, phường 8, Q.4, TPHCM, tôi tìm đến nhà ông ngoại. Ngôi nhà nhỏ, hai tầng lầu, mọi thứ đều được sắp xếp khang trang, ngăn nắp.
Vừa thấy tôi, ông ngoại đã nhanh chân ra đón, nhìn ông, tôi không tin được ông đã bước sang tuổi 94. Ông ngoại trông rất minh mẫn, hoạt bát với mái tóc bạc, đôi mắt sáng và rất lanh lợi.
Ông ngoại kể, ông tên đầy đủ là Huỳnh Văn Bảy, lớn lên từ nhỏ ở Cai Lậy, Tiền Giang. Trước đây, gia đình ông cũng thuộc hạng khá giả nhưng sau nhiều biến cố, mọi thứ mất hết, gia đình rơi vào khó khăn. Mới mười mấy tuổi đầu ông đã phải tự bươn chải kiếm sống, đến năm hai mươi mấy tuổi ông tự học làm kẹo bông gòn rồi đi bán, rong ruổi khắp miền Tây sông nước.
Khi được tôi hỏi “làm sao ông ngoại làm ra món kẹo bông gòn hay vậy?”, ông phì cười nói: “Ông đã lăn lộn với đời nhiều rồi nên thành ra có nhiều kinh nghiệm, đâu phải ai mẹ mới đẻ ra là đã biết được. Trước kia có thời gian ông làm trong một nhà máy sản xuất đường cát. Tại đây, ông nhìn thấy người ta xử lý nước mía thành đường trắng tinh, nhờ đó giúp ông nghĩ đến việc chế ra món kẹo bông gòn.”
Sau 1975, ông ngoại cùng gia đình lên Sài Gòn mưu sinh. Không có gì để kiếm sống, ông ngoại lại tiếp tục chế ra máy làm kẹo bông gòn cùng chiếc xe honda 50 cũ tiếp tục hành trình bán kẹo bông gòn…
Ông ngoại bùi ngùi nhớ lại: “Khi đó đi bán cực khổ lắm con, cái máy hồi xưa nó đâu có ngon như bây giờ. Mỗi lần đi bán là gặp trục trặc, nhiều khi đang bán đổ đường vô nó chảy hết trơn. Cái máy lúc đó giống như bàn máy may vậy đó con, mỗi lần làm kẹo là ông ngoại phải dùng chân đạp, rất cực. Trải qua bao lần cực khổ cuối cùng ông ngoại cũng sáng chế ra được cái máy mới, làm kẹo bông gòn bằng bình. Mỗi lần học trò ùa ra đông là ông ngoại không sợ, bởi cái máy này nó lẹ lắm. Bây giờ tụi nhỏ lại bao nhiêu ông ngoại bán cũng kịp hết”.
Có lẽ hiện hữu trong kí ức của bao thế hệ học trò ở Sài Gòn không thể nào quên được cái bảng tên vừa mộc mạc mà lại thân quen đến lạ của ông ngoại “Kẹo bông gòn ông ngoại không có gì lạ, chỉ có milo, bơ sữa, trái vải, sầu riêng, me, cam là số dách”.
Cô bé Đặng Nguyễn Ngọc Ánh (học lớp 5, trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) vừa thấy ông ngoại vội reo lên “A… ông ngoại tới rồi”. Cô bé chia sẻ: “Em ăn kẹo bông gòn của ông ngoại được 4 năm rồi đó chị. Kẹo ông ngon lắm, ăn là ghiền luôn à. Ông ngoại không có bán ở trường cấp 1 nên tụi em cứ canh thứ 7 hoặc chủ nhật chờ ông ngoại xuống để được ăn kẹo bông gòn.”
Kẹo bông gòn ông ngoại đã trở thành một thương hiệu thân quen trong lòng người dân Sài Gòn. Thậm chí có người không nhớ tên thật của ông mà chỉ nhớ đến cái tên rất đỗi thân thương “ông ngoại”. “Bao nhiêu học trò từ già trẻ bé lớn, năm sáu mươi tuổi đều kêu bằng ông ngoại, thành ra ông nổi tiếng, đi tới đâu là tụi nó biết liền. Ông ngoại đi đâu cũng vậy, vừa thấy ông là tụi nó réo “ông ngoại tới rồi tụi bây ơi…”. Nhiều khi ông ngoại chạy xe dọc đường tụi sinh viên đại học chạy ngang nó kêu ngoại, ông hỏi “gì con”, nó cười nói “tấm bảng ông ngoại là số zách”.
Chị Tống Ngọc Quyên (ngụ Q.4, TPHCM) vừa cầm cây kẹo bông gòn đưa cho đứa con, vừa nói: “Chị ăn kẹo bông gòn của ông ngoại từ hồi còn học cấp 1, ăn mãi không chán. Đến khi chị đẻ con ra, chị vẫn không quên được vị kẹo bông gòn của ông. Mỗi khi ông ngoại lại là chị mua cho con chị ăn liền, nó thích lắm.”
“Ngoại nhớ lúc trước có gặp hai chị em học cấp 1 tại trường tiểu họcTrương Định, TPHCM. Hôm đó, hai chị em nó ra hỏi mấy bà ngồi lề đường “Bà ơi, bà có thấy ông ngoại bán kẹo bông gòn đâu không?”, mấy bà mới trả lời “Ông ngoại chết rồi”. Vậy là hai chị em òa lên khóc quá trời. Hôm sau má hai đứa nhỏ chở đi học, vừa thấy ông ngoại tụi nó vội reo “Kìa ông ngoại đứng kìa… ông ngoại đứng kìa”.
Sau đó, hai chị em vội chạy tới nói “Mấy bà ác quá… mấy bà rủa ông ngoại con chết nha”. Lúc đó, má tụi nhỏ cũng lại gần nói với ông “Hôm qua nghe ông chết nó khóc như mưa vậy đó”. Thế là ông ngoại thấy thương hai đứa, tuy nhỏ mà lại dành tình cảm nhiều cho ông như vậy. Ông ngoại tặng cho mỗi đứa một cây kẹo bông, vừa cầm vừa cảm ơn ông ngoại. Con thấy không, chỉ nhiêu đó thôi cũng làm ngoại vui lắm rồi.” - Ông ngoại nhâm nhi tách trà tiếp tục câu chuyện.
Bằng giọng nói ấm áp mà hiền lành đậm chất miền Tây, ông ngoại cứ chậm rãi kể chuyện về mình: “Ông ngoại bán nổi tiếng rồi nên đâu có sợ ế. Kẹo của ông tuyệt đối không dùng hóa chất vì sợ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tụi nhỏ, con thấy không, tuy nhiều màu nhưng khi ra bông gòn thì vẫn trắng tinh.
Ông ngoại không có cho “tầm bậy”, con có biết mọi lần làm màu đâu có dễ, mình phải nấu nướng rồi lọc lại coi nó đúng không, nó mà trật một cái đổ vô là hư màu đường. Làm khó lắm… bởi tụi bán cùng nó xin bí kíp của ông ngoại về làm mà đâu có được. Nhiều đứa kêu ngoại chỉ ngoại đâu có chỉ… bởi chỉ tụi nó để rồi tụi nó chém học trò nên ngoại không chỉ, chừng nào ông ngoại chết, ông ngoại đem theo.”
Người khác bán kẹo bông gòn có khi mười ngàn, mười lăm ngàn, nhưng riêng ông ngoại giá kẹo năm ngàn bao năm qua vẫn không đổi. Ông ngoại tâm sự, lúc trước ông ngoại hay làm một cuốn sổ riêng, trong đó ghi danh sách của các trường đứng bán, cứ mỗi ngày một trường để không bị sót. Không thấy ông ngoại đến tụi nhỏ nó nhớ mà ông cũng nhớ tụi nó nên cứ phân ra vậy đó cho đều.
Tất cả cả những trường lớn nhỏ ở Sài Gòn đều in dấu chân của ông ngoại, thậm chí có những ngày ông lặn lội xuống tận các trường ở Biên Hòa – Đồng Nai để bán. Những năm trở lại đây, vì tuổi già nên ông ngoại không đi xa nữa, cứ quanh quẩn ở Sài Gòn.
Kẹo bông gòn ông ngoại không chỉ nức tiếng ở Sài Gòn, ngay cả bên Mỹ, bên Nhật họ cũng biết, ông ngoại kể: “Nhiều lúc tụi nước ngoài qua đây ăn kẹo, ông ngoại hỏi ngon không, nó nói “bên đó cũng có kẹo bông gòn nhưng mà không ngon bằng của ông ngoại”.
Hiện tại, mỗi ngày ông ngoại bán một trường, thứ 7 và chủ nhật thì ông chạy qua các xóm để bán cho sấp nhỏ cấp 1. Ông ngoại bắt đầu bán từ sáng sớm cho đến chiều tối mới về. Khi tôi hỏi thăm về sức khỏe của ông, ông liền nói: “Ông ngoại 94 tuổi rồi nhưng vẫn còn chạy xe ngon lành. Có hôm, ông ngoại chạy xe máy xuống tận Cần Thơ. Nói ra sức khỏe ông ngoại vẫn còn tốt.
Có lần, ông ngoại vô nhà thương bác sĩ nào cũng ôm ông ngoại nói “trời ơi, ông ngoại sống lâu quá, không biết con được như ông ngoại không”. Ông nói “sao không được, mày đừng hút thuốc đừng uống rượu, đừng ăn uống tào lao, ăn ngủ đúng giờ giấc… mày làm bác sĩ mà mày không biết cái đó là mày chết rồi.”