“Thành phố này sẽ không bao giờ còn như trước kia được nữa" - một thanh niên người Pháp lạc giọng bởi tiếng nấc nghẹn ngào trong một video phóng sự của đài CNN . "Đây thật sự là một thảm kịch kinh hoàng và không thể tưởng tượng được.”
Một nhân chứng khác, nhà thiết kế người Mỹ Sophia Foreno run rẩy kể lại khoảnh khắc kinh hoàng cho CNN: Lúc đó, chúng tôi đang đi bộ theo thói quen hàng ngày từ khi tới đây. Chúng tôi đi về phía sông Seine, rẽ phải theo hướng Nhà thờ Đức Bà, rồi đột nhiên nhìn thấy công trình chìm trong biển lửa"
Trả lời phỏng vấn của tờ Dailymail, ông Stephane Seigneurie, một cư dân đã sống ở Paris gần 25 năm không kiềm được sự xúc động của mình: “Tôi đến đây rất thường xuyên, và thậm chí cả khi chẳng có ai ở trong cả bởi vì nó là một nơi phi thường, thấm đậm lịch sử nước Pháp. Nó là một biểu tượng của Pháp cả về chính trị, trí thức và tinh thần”.
Mãi đến vài tiếng sau, lực lượng cứu hoả với gần 400 người mới có thể khống chế được ngọn lửa. Với toàn bộ cấu trúc kinh điển đã bị thiêu huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại một phần mái vòm và thánh đường, những thiệt hại gây ra cho công trình với tuổi đời hơn 800 năm này là không thể đảo ngược và sẽ rất khó, nếu gần như là không thể phục hồi lại nguyên trạng ban đầu.
Theo ước tính của phát ngôn viên Nhà thờ, ông Andrew Finot, các công ty trùng tu và sửa chữa sẽ phải mất ít nhất là ba năm, hoặc trong trường hợp xấu nhất là 10 năm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây sau khi đến thăm hiện trường của vụ cháy đã đưa ra tuyên bố: “Chúng ta sẽ cùng nhau xây lại Nhà thờ Đức Bà”. Với đôi mắt ngấn lệ, vị Tổng thống trẻ quả quyết chỉ cần năm năm để trả lại vẻ ngoài cho công trình này.
“Chúng ta có quá nhiều thứ cần phải xây dựng lại. Đúng thế, chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ và chúng ta sẽ khiến nó đẹp hơn. Tôi muốn việc này phải xong trong vòng năm năm. Chúng ta cần phải nỗ lực, chúng ta nhất định phải hành động và chúng ta sẽ chiến thắng. Nền Cộng hoà vạn tuế, nước Pháp vạn tuế” - dẫn lời ông Macron.
"Những gì chúng ta tưởng rằng là sự tuyệt vọng thực chất chỉ là sự bắt đầu một cách đau đớn của hi vọng” - George Eliot (1819 -1890), tiểu thuyết gia người Anh.
George Eliot, nữ tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng thời kỳ Victoria lúc sinh thời từng viết: “Những gì chúng ta tưởng rằng là sự tuyệt vọng thực chất chỉ là sự bắt đầu một cách đau đớn của hi vọng”, và lúc này, người Pháp, sau những chia rẽ và bạo lực, giờ đây đã cùng ngồi lại bên nhau dưới bóng của không gì khác ngoài ngọn cờ của sự hy vọng.
Sau một đêm dài tưởng chừng như không còn gì có thể cứu vãn cho số phận Notre Dame de Paris, giai điệu của bài thánh ca Ave Maria đã đã ngân vang cả thành phố bởi bởi tiếng hát của hàng nghìn người dân Paris đang quỳ trước hiện trường vụ cháy, xen lẫn tiếng cầu nguyện thì thầm.
Trước đó, họ đã tổ chức một cuộc tuần hành từ Nhà thờ Saint-Sulpice, nhà thờ lớn thứ hai thành phố, với kết thúc là bờ phía Nam dòng Seine đối diện Nhà Thờ Đức Bà. Hàng nghìn ngọn nến cũng đã được thắp lên và đặt thành từng hàng tại khoảnh sân trước Nhà thờ, soi sáng cả một vùng xung quanh nhằm hỗ trợ cho buổi cầu nguyện.
Đoạn clip ghi hình lại cảnh tượng trên đạt gần tám triệu lượt xem và 92 ngàn lượt tweet trên Twitter, với một số lời bình luận cho biết họ cảm thấy “rùng mình” và “gần như có thể cảm thấy trực tiếp nỗi đau và tình yêu người dân Paris dành cho Nhà thờ Đức Bà”.
James McAuley, phóng viên thường trú của tờ Washington Post ở Paris miêu tả cảnh tượng cầu nguyện trước Nhà thờ Đức Bà là “không thể nào diễn tả sự kinh ngạc, sự yên tĩnh đáng sợ, và những giọt nước mắt khóc thương cho 800 năm lịch sử biến mất chỉ trong tích tắc.”
Đồng cảm với tâm trạng những người dân ở Paris, Brien McCarthy, linh mục của nhà thờ L'église de la Madeleine nằm cách Notre Dame de Paris về hướng Tây Nam, cho biết sở dĩ Nhà thờ Đức bà có khả năng mang con người lại bên nhau là vì “có một thứ gì đó thiêng liêng thấm đẫm trong từng viên gạch và đá ở đó khi được xây dựng bởi những con người có lòng tin”.
Họ [người dân đang cầu nguyện] biết rằng họ đang đứng trên mảnh đất linh thiêng, không phải vì bản thân mảnh đất đó linh thiêng, mà do nó đã được vun đắp bởi niềm tin của những con người ở đó.” Ông cũng tin rằng “Sẽ có thứ gì đó vươn lên từ tro tàn”.
Trong số những hình ảnh đầu tiên được công bố của Nhà thờ Đức Bà sau khi ngọn lửa được kiểm soát, hình ảnh cây Thánh giá treo trên bệ thờ giữa thánh đường ám khói đen vẫn đứng sừng sững bất chấp lửa cháy dữ dội đã được nhiều người xem như là một phép lạ từ Chúa Trời. Bên cạnh đó, phần lớn các báu vật vô giá được cất giữ bên trong cũng được giải cứu kịp thời, phần thánh đường bên trong cũng gần như còn nguyên nhờ dàn cột chịu lực khổng lồ.
Mới đây, trong một nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ lòng yêu nghệ thuật, đã có ít nhất 50 lời kêu gọi trang web gây quỹ GoFundMe nhằm đóng góp tài chính cho quá trình phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy. Phát ngôn viên của GoFundMe cho biết "Trong những giờ tới, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà chức trách để tìm ra biện pháp chuyển số tiền này tới nơi hữu dụng nhất"
Bên cạnh những sự hỗ trợ tự phát từ phía những người dân, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã bày tỏ sự chia buồn của mình đến với nước Pháp và khẳng định sẽ hỗ trợ Paris trong công tác sửa chữa. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ sự đau buồn khi nhìn thấy nhà thờ chìm trong biển lửa và thay mặt người dân Canada chia sẻ nỗi buồn với người dân Pháp.
Tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự cảm thông với Paris trên trang Twitter trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là vụ hoả hoạn khủng khiếp đã tàn phá một trong những kho báu vĩ đại của thế giới.
Trong một diễn biến khác, sau nhiều tháng nước Pháp chìm trong bạo động từ phong trào Áo khoác vàng chống chính phủ, chính phủ non trẻ của ông Macron rất cần một dịp để có thể ổn định tình hình, xoa dịu căng thẳng và tiến hành kêu gọi đoàn kết trong nước, và sự việc xảy ra ở Nhà thờ Đức Bà là một cơ hội không thể nào hoàn hảo hơn.
Cả nước Pháp và nhiều nước khác trên thế giới không chỉ nhớ về Nhà thờ Đức Bà trước khi bị thiêu cháy, mà còn hi vọng mọi thứ sẽ sớm quay về.