Từ việc một số trang mạng dồn dập công khai tên tuổi, hình ảnh của một số người mẫu bán dâm trong đường dây bán dâm ngàn USD mà Công an TP.HCM vừa triệt phá, nhiều ý kiến thắc mắc: Người mua, bán dâm bị pháp luật xử lý thế nào và có được công khai?
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (PCMD) 2003 và Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) 2012, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người mua, bán dâm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Mua dâm người chưa thành niên mới bị tội
. Phóng viên: Đối với người mua dâm, trường hợp nào thì bị phạt hành chính, trường hợp nào bị xử tội?
+ Luật sư Lê Văn Hoan: Nếu mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì người mua dâm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong các trường hợp còn lại, người mua dâm bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nghị định 167/2013 của Chính phủ đưa ra ba mức phạt tiền dành cho người mua dâm: Từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi mua dâm; từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc; từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lôi kéo hoặc ép buộc người khác cùng mua dâm.
. Còn người bán dâm có bị phạt nhẹ hơn người mua dâm hay không, thưa luật sư?
+ So với người mua dâm thì mức phạt tiền dành cho người bán dâm thấp hơn. So với quy định cũ thì hình phạt dành cho người bán dâm cũng đã nhẹ hơn. Từ 16-7-2012 (thời điểm Luật XLVPHC được công bố), người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền) chứ không còn bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm là người nước ngoài thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất. Trong trường hợp người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về việc phạt tiền, Nghị định 167/2013 đưa ra hai mức phạt: Từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm; từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc.
Không ai được phép công khai
. Có một số ý kiến đòi công khai tên tuổi, hình ảnh của cả người bán dâm lẫn người mua dâm và một số báo mạng cũng đã công khai danh tính, hình ảnh một số “chân dài” bán dâm. Ngược lại, nhiều người cho rằng không nên làm vậy vì đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân liên quan. Pháp luật quy định sao về việc này?
+ Tôi xin được lưu ý là Pháp lệnh PCMD chỉ có một quy định riêng để áp dụng cho cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về PCMD. Theo Điều 27 của pháp lệnh, các đối tượng này nếu có hành vi mua dâm thì ngoài việc bị xử lý theo quy định còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý đối tượng để giáo dục và xử lý kỷ luật. Trong thời gian bị xử lý kỷ luật, các đối tượng này không được đề cử, ứng cử vào một số cơ quan; không được bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương hoặc cao hơn trong các cơ quan…
Ngoài ra, không có quy định nào cho phép công khai người bán dâm và người mua dâm.
. Như vậy, việc nhiều tờ báo đăng công khai chân dung, thân thế của người bán dâm là làm sai quy định?
+ Đúng vậy. Theo Điều 31 Bộ luật Dân sự 2005 thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình nên việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Báo chí cũng đặt nặng nguyên tắc này và chỉ cho phép báo chí đăng ảnh những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án… và các trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu căn cứ điều khoản này thì rõ ràng báo chí chỉ được đăng hình ảnh của “những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án”. Do những người mua, bán dâm không vi phạm pháp luật hình sự nên báo chí không được quyền đăng hình ảnh của họ.
. Cám ơn luật sư.
Không thể đã “đấm” còn “đạp” Đối với các cá nhân chỉ mới bị nghi ngờ phạm tội thì cùng với đó cơ quan CSĐT đang tiến hành các hoạt động điều tra về những hành vi mà họ thực hiện. Sau khi kết thúc giai đoạn này chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp để truy tố, tòa án sẽ xem có hay không hành vi phạm tội. Về nguyên tắc thì không ai là người có tội khi chưa bị bản án có hiệu lực pháp luật xét xử họ có tội. Do vậy, nếu chỉ mới là nghi can mà báo chí đã đưa tin, hình ảnh, thậm chí là “kết tội” họ luôn (nhất là những người nổi tiếng) thì chẳng khác nào đẩy những con người này vào đường cùng. Thậm chí ngay cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật kết tội ai đó, họ phải thụ án khá lâu (như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang) nhưng sự thật thì họ không phạm tội. Như vậy, những người này ngoài sự làm oan của cơ quan tiến hành tố tụng họ còn bị làm oan bởi cơ quan báo chí (đã bị "đấm" còn bị "đạp"). Ở một số nước phát triển, ngay cả khi bị cáo bị đưa ra xét xử, kết án, báo chí nếu có đưa tin, hình ảnh thì cũng chỉ là hình ảnh phác họa mà thôi. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên sớm thống nhất những quy định về việc đăng ảnh trên báo chí theo hướng không nên công khai hình ảnh người bị cho là nghi can hoặc ngay cả bị can, bị cáo, bị án nếu không được sự đồng ý của họ. Làm như thế mới hạn chế được việc người vi phạm pháp luật ngoài việc phải chịu các chế tài trong luật còn phải chịu “chế tài dư luận” khiến họ khó quay lại cuộc sống lương thiện sau khi đã chấp hành xong bản án của tòa. Luật sư LÊ VĂN HOAN(Đoàn Luật sư TP.HCM) |