Một tin nhắn gạ tình
Ngày 25-5-2015, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Tuy nhiên, Bộ Quy tắc ứng xử đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. PLO giới thiệu ý kiến của Luật sư Phạm Hoài Nam, Công ty Luật TNHH MTV Bến Nghé - Sài Gòn.
Hành vi còn quá chung chung
Theo khái niệm mà cơ quan chức năng đưa ra thì hành vi quấy rối tình dục là các hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của cả nam lẫn nữ giới, gây ảnh hưởng đến môi trường văn hoá nơi làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế để phân chia ranh giới giữa việc trêu đùa, tán tỉnh và quấy rối tình dục lại là một vấn đề khá nan giải.
Vì đôi khi hành vi mà theo Bộ quy tắc này là quấy rối tình dục lại là một trong những hành vi ứng xử bình thường giữa một cá nhân nam có tình cảm với một cá nhân nữ. Ví dụ như việc nháy mắt, hẹn hò đi chơi…theo tôi là một hành động rất bình thường. Hành vi này có thể xuất phát từ thói quen hoặc ý muốn gây chú ý của đối phương hoặc tình cảm cá nhân xuất phát từ một phía và như vậy không thể quy kết là quấy rối tình dục ở đây được, nếu người thực hiện hành vi này không hướng tới vấn đề tình dục thì không thể xử lý họ được. Mặt khác, hiện nay trong nhiều doanh nghiệp mọi người thường giao tiếp với nhau rất thoải mái, họ trêu đùa nhau bằng những câu chuyện có ngụ ý về tình dục, về cách ăn mặc sexy hay những lời nhận xét cá nhân với nhau mang hơi hướng tình dục thì cũng không thể quy kết đó là hành vi quấy rối tình dục.
Như vậy, vấn đề là phải làm sao để xác định hành vi nào là hành vi quấy rối tình dục và việc quy định thế nào là quấy rối tình dục phải có sự khái quát và thực tế chứ không thể nêu chung chung như trong Bộ quy tắc vừa công bố.
Bởi nếu quy định như thế, người ta dễ nhầm lẫn giữa hành vi ứng xử khi giao tiếp thông thường và hành vi quấy rối tình dục. Theo tôi, hành vi quấy rối tình dục phải là hành vi có mục tiêu hướng tới nhằm để thỏa mãn nhu cầu và ham muốn tình dục của người thực hiện hành vi, đã được người bị quấy rối tình dục nhắc nhở, từ chối nhưng họ vẫn cố tình thực hiện.
Có thể nâng lên thành Luật
Hành vi quấy rối tình dục hiện nay diễn biến phức tạp, khó phát hiện và người bị quấy rối tình dục thường gặp khó khăn trong việc đối phó và ngăn chặn, còn khi tố cáo hành vi thì rất khó chứng minh.
Tuy nhiên, vẫn có một số cách cơ bản có thể giúp người bị quấy rối tình dục có thể xử lý như: Khôn khéo từ chối hoặc phản ứng phù hợp nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục; sử dụng chính những tin nhắn, email được lưu trữ có những lời văn mang thiên hướng quấy rối tình dục với mật độ dày và liên tục; sử dụng bằng chứng từ những camera tại công sở để ghi nhận hành vi công khai; ghi nhận chứng cứ bằng các bản ghi âm, ghi hình của đối tượng thực hiện hành vi quấy rối tình dục; có sự làm chứng từ phía những đồng nghiệp khác…
Tuy nhiên, việc tố cáo và chứng minh hành vi quấy rối tình dục thực sự là con đường tệ nhất, cuối cùng để phản kháng lại nhằm chấm dứt hành vi quấy rối. Bởi mỗi người đều xem quan hệ đồng nghiệp, công sở là một mối quan hệ quan trọng, tuy nhiên không phải vì thế mà để việc quấy rối đi quá xa mới có những hành vi thực tế thể hiện sự phản kháng.
Mỗi người nên biết cách phòng tránh nó ngay từ đầu để môi trường làm việc được trong sạch, và việc đề phòng là vô cùng quan trọng. Bởi khi các nạn nhân lờ đi sự quấy rối tình dục, nó thường tiếp diễn và thậm chí còn tệ hơn. Phương án hữu hiệu nhất là hãy khôn khéo trong hành vi ứng xử để tránh những rắc rối có thể tránh khỏi sau này và nếu phải đối diện với hành vi quấy rối tình dục thì phải quyết liệt bảo vệ chính mình, cho họ thấy rõ quan điểm của mình ngay từ đầu. Không nên cười đùa lại, hay lờ đi chính những hành vi có dấu hiệu quấy rối, bởi vì chính sự lờ đi này là sự tiếp tay cho kẻ quấy rối thực hiện đến cùng hành vi xâm hại.
Về mặt pháp lý, Bộ quy tắc chỉ là một văn bản nhằm định hướng các ứng xử của xã hội cho phù hợp với chuẩn mực văn hóa mà chưa có giá trị pháp lý bắt buộc thi hành. Việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục là cần thiết, tuy nhiên Bộ quy tắc này quy định chưa cụ thể và có nhiều hành vi không hợp lý. Tuy nhiên, việc ban hành một bộ quy tắc như thế để bảo vệ người lao động trước nạn quấy rối tình dục là một bước đi đột phá và phù hợp với xu hướng quốc tế. Tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha…đã và đang sử dụng những bộ quy tắc về chống quấy rối tình dục hoặc đã nâng lên thành quy định pháp luật để làm cơ sở bảo vệ người bị quấy rối tình dục và xử lý hành vi trái pháp luật liên quan tới quấy rối tình dục.
Ở những nước này, người có hành vi quấy rối tình dục phải bồi thường với giá trị bồi thường rất cao hoặc thậm chí bị xử lý trách nhiệm hình sự. Tại Việt Nam, tới thời điểm hiện tại, việc đưa Bộ quy tắc này ra trước công luận để thu hút sự đóng góp ý kiến,phản biện của xã hội để trở nên thiết thực và đi vào thực tế là rất đáng hoan nghênh. Cùng với việc quy định những hành vi được coi là quấy rối tình dục, Bộ quy tắc cũng nên chú trọng vào quy định những biện pháp bảo vệ người bị quấy rối và đó chính là những điều mà người bị quấy rối đang cần. Một khi được xã hội chấp nhận, đây sẽ là cơ sở để nâng tầm từ một Bộ quy tắc lên thành Luật, hay một văn bản có giá trị pháp lý bắt buộc, góp phần bảo vệ người bị quấy rối tình dục và làm trong sạch môi trường làm việc.
Các hình thức quấy rối tình dục QRTD tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói như: QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm… QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa như những truyện cười gợi ý về tình dục hay không có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục… QRTD không bằng hành vi, phi lời nói gồm các hành động không mong muốn như cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn…. (Nguồn: Bộ Quy tắc ứng xử Quấy rối tình dục tại nơi làm việc) |