“Đối với bà con cô bác buôn bán hàng rong chưa được bố trí chỗ kinh doanh, quận 1 phải có trợ cấp trong thời gian chuyển đổi ngành nghề. Phải đảm bảo các đối tượng này không bị đói, bế tắc dẫn đến phải làm những việc vi phạm pháp luật, vay nặng lãi vì không có công ăn việc làm, trẻ em cũng phải được đảm bảo chuyện học hành” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh tại buổi làm việc với UBND quận 1 về đề án kinh doanh trên vỉa hè tại quận 1 ngày 20-3.
Đề xuất ba nơi hàng rong
Theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, để việc lập lại trật tự vỉa hè được bền vững, giải pháp căn cơ là tổ chức lại cuộc sống cho những người bán hàng rong. Chủ tịch quận 1 cho biết có hai đối tượng lấn chiếm vỉa hè, đó là những hộ kinh doanh mặt đường, đa số những hộ này có kinh tế khá ổn định. Những trường hợp này quận 1 đã tuyên truyền vận động không buôn bán lấn chiếm vỉa hè và xử lý nghiêm nếu tái phạm. Riêng đối tượng buôn bán hàng rong thì quận 1 rất trăn trở và đang nỗ lực tìm giải pháp để tổ chức cho họ kinh doanh ổn định nhằm đảm bảo cuộc sống.
Trình bày đề án kinh doanh trên vỉa hè, ông Thuận đề xuất TP cho phép được tổ chức phố hàng rong tại ba khu vực gồm các tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm, Chu Mạnh Trinh và khu công viên Bách Tùng Diệp. Cụ thể, tuyến Nguyễn Văn Chiêm có chiều dài 40 m, dự kiến bố trí 20 hộ; tuyến Chu Mạnh Trinh dài 140 m bố trí khoảng 35 hộ và khu công viên Bách Tùng Diệp dài 30 m bố trí 15 hộ.
Ông Thuận cho biết những người được bố trí chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn phường Bến Nghé. “Những người buôn bán hàng rong được bố trí tại ba điểm nêu trên đều được tập huấn về kỹ năng bán hàng văn minh, cung cấp đồng phục, quầy hàng và các vật dụng khác” - ông Thuận nói. Thời gian bán hàng tại hai tuyến đường là từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 11 giờ đến 13 giờ trưa.
Người bán hàng rong quanh khu vực nhà thờ Đức Bà, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không để người dân rơi vào bế tắc
Sau khi lắng nghe quận đề xuất ba khu vực trên, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận cho quận 1 được tổ chức phố hàng rong tại tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và khu công viên Bách Tùng Diệp. Riêng tuyến đường Chu Mạnh Trinh, theo ông Tuyến, đây là tuyến đường có vỉa hè đẹp, việc bố trí cho người dân kinh doanh tại đây sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng vỉa hè của tuyến đường này. “Giao quận 1 thí điểm tổ chức phố hàng rong tại tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và khu công viên Bách Tùng Diệp. Đồng thời phối hợp với Sở GTVT nghiên cứu về giao thông để không ảnh hưởng đến việc lưu thông” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến cũng đặc biệt lưu ý quận 1 phải tính toán giải quyết đời sống cho những người chưa được bố trí kinh doanh, không được để người dân phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn có thể bố trí họ vào buôn bán tại các chợ truyền thống hoặc có thể chọn những người có tay nghề nấu ăn để bố trí họ vào làm trong những nhà hàng chuyên về kinh doanh các món ăn đường phố. Phó Chủ tịch UBND TP bày tỏ: “Tôi cảm thấy nặng lòng khi bà con chưa được bố trí, hiện chưa tìm được việc làm”.
Tổ chức phố đi bộ Bùi Viện trước 30-4
Tại cuộc họp, UBND quận 1 cũng đề xuất tổ chức thí điểm phố đi bộ ở khu phố Tây Bùi Viện. Theo đó, toàn tuyến đường Bùi Viện dài 650 m sẽ được dành để tổ chức phố đi bộ vào hai ngày cuối tuần là thứ Bảy và Chủ nhật. Thời gian bắt đầu cấm các phương tiện giao thông là từ 19 giờ. Cùng với việc lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát an ninh trật tự, quận 1 cũng sẽ tiến hành chỉnh trang, cải tạo lại vỉa hè. Toàn bộ 320 hộ kinh doanh mặt tiền cũng sẽ được phép kinh doanh trên vỉa hè, còn lòng đường sẽ được dành để đi bộ và tổ chức các loại hình nghệ thuật đường phố.
Ông Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với việc thí điểm phố đi bộ Bùi Viện theo đề xuất của quận 1. Đồng thời chỉ đạo quận 1 phải triển khai trước ngày 30-4. Ngoài ra, ông Tuyến cũng chấp thuận cho quận 1 được thí điểm tổ chức chợ phiên cuối tuần tại công viên cảng Bạch Đằng, phường Bến Nghé, quận 1 trong quý II-2017.
Qua nơi mới, sợ bán không được Tôi bán bắp ở đây cũng gần chục năm rồi. Đây là công việc mưu sinh chính đủ để nuôi sống gia đình tôi. Thời gian gần đây việc kiểm tra của lực lượng đô thị ngày càng gay gắt nên tôi buôn bán khó khăn hơn. Nay nếu TP có chủ trương tập trung người bán hàng rong thành khu vực riêng thì tôi chấp hành. Chỉ ngại là địa điểm buôn bán trước giờ khách đã quen, giờ qua nơi mới sợ bán không được. Bà NGUYỄN THỊ BA, 62 tuổi, bán bắp trước cổng trường trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1 Mong được bán gần nhà Mấy ngày nay buôn bán ế ẩm lắm, cô chú ơi! Lực lượng đô thị cứ đi kiểm tra vỉa hè nên tôi buôn bán cũng nơm nớp lo sợ. Nghe nói quận 1 cho tập trung người bán hàng rong lại một chỗ hợp pháp rồi tạo điều kiện để buôn bán thì tôi rất vui lòng và mong các quận khác làm theo. Tôi chỉ yêu cầu họ cho tôi được bán gần nhà vì mỗi lần dọn hàng cực lắm. Bà NGUYỄN THỊ LỤA, 54 tuổi, bán hàng nước trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 H.TRÂM ghi Ngoài hai tuyến phố được bán hàng rong, quận 1 cũng chỉ đạo 10 phường rà soát lại các tuyến đường có vỉa hè trên 3 m để bố trí cho những hộ gia đình kinh doanh trên vỉa hè được phép kinh doanh trong giới hạn vạch sơn cho phép. |