Chủ tịch quận 1: Sẽ có khu phố cho người bán hàng rong

“500 người nghèo buôn bán hàng rong lâu năm tại khu vực trung tâm quận 1 sẽ được bố trí, sắp xếp kinh doanh, buôn bán tại phố hàng rong. Đây không chỉ là nơi buôn bán đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc trưng của đô thị TP.HCM để thu hút khách du lịch”. Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM (ảnh), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về giải pháp tổ chức lại vỉa hè trên địa bàn quận như trên.

Quận chạy tìm việc làm cho người bán hàng rong

. Phóng viên: Qua hơn hai tháng ra quân dọn dẹp vỉa hè, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1 đã thông thoáng, trật tự hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng song song đó có hàng loạt hộ gia đình buôn bán hàng rong thất nghiệp. Đằng sau mỗi gánh hàng rong là số phận của cả một gia đình, như vậy quận 1 có phương án gì để đảm bảo cuộc sống cho họ?

+ Ông Trần Thế Thuận: Thời gian qua, cùng với việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng/lề đường, chúng tôi cũng đã chuẩn bị phương án để tổ chức lại vỉa hè, sắp xếp, bố trí, giới thiệu việc làm cho bà con cô bác trên địa bàn quận. Cụ thể là chúng tôi đã rà soát và phân thành hai loại đối tượng. Đối với những trường hợp trong độ tuổi lao động thì quận đã tổ chức giới thiệu việc làm, giới thiệu học nghề. Đặc biệt, quận cũng đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để bà con vẫn được trả tiền trong thời gian nghỉ buôn bán để đi học nghề.

Đối với trường hợp ngoài độ tuổi lao động, quận 1 đang có chủ trương sắp xếp bà con vào kinh doanh tại các khu vực phố hàng rong hoặc tại các tuyến đường có vỉa hè trên 3 m trên địa bàn quận.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tìm thêm các mối công việc để bà con có thể nhận về nhà làm, vừa để không buôn bán lấn chiếm vỉa hè mà vừa có thêm thu nhập. Chẳng hạn, hiện nay quận 1 đang thực hiện một loạt giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chợ Bến Thành để nơi đây trở thành thương hiệu du lịch mạnh, mang đặc trưng riêng của TP. Trong đó, quận đã vận động 50% tiểu thương dùng túi giấy thay túi nylon. Số lượng 50% túi giấy này chúng tôi đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH quận ký hợp đồng với ban quản lý chợ Bến Thành chuyển về chia cho bà con buôn bán hàng rong gia công để kiếm thêm thu nhập.

Tới đây, người bán hàng rong sẽ được bố trí chỗ bán trật tự hơn. Ảnh: HTD

Sẽ triển khai phố hàng rong

. Năm 2016, quận 1 đã có đề án xây dựng phố hàng rong để tạo chỗ buôn bán cho những hộ đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Đề án này hiện nay đang thực hiện đến đâu?

+ Thực ra đây là việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như tại TP.HCM nên chúng tôi cũng xác định đây là việc làm không hề đơn giản. Tuy nhiên, để tổ chức, sắp xếp lại vỉa hè và bố trí lại chỗ làm ăn cho người dân buôn bán hàng rong, năm 2016 chúng tôi đã rà soát, lên danh sách và tiếp xúc với gần 500 hộ đang kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Đây là những hộ nghèo và cận nghèo buôn bán lâu năm tại khu vực trung tâm của quận, tập trung tại hai phường Bến Nghé và Bến Thành. Chúng tôi dự kiến sẽ bố trí bà con vào buôn bán tại tuyến phố tạm gọi là phố hàng rong. Để vào kinh doanh tại đây, bà con sẽ được tập huấn, trang bị các kỹ năng bán hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như được cung cấp trang phục, thiết kế quầy hàng theo tiêu chuẩn để vừa là chỗ kinh doanh của bà con nhưng cũng là nét văn hóa đặc trưng của đô thị TP.

Đề án này quận cũng đã lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành, đơn vị có liên quan và đang trình TP xem xét. Điều đáng mừng là lãnh đạo TP cũng rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao chủ trương này. Nếu TP thông qua thì trong tháng 5 tới chúng tôi sẽ triển khai thực hiện.

. Tiêu chí để được vào kinh doanh tại phố hàng rong là như thế nào? Làm sao để không bỏ sót những trường hợp là cư dân quận 1 đã buôn bán trên vỉa hè lâu năm?

+ Như tôi đã nói, đây là các hộ nghèo và cận nghèo đã buôn bán lâu năm trên địa bàn quận 1 mà cụ thể là ở hai phường Bến Thành và Bến Nghé. Quận 1 đã tiếp xúc, khảo sát, đồng thời lên danh sách khoảng 500 hộ trực tiếp đang buôn bán trên vỉa hè tại hai khu vực này. Quá trình điều tra, khảo sát đều có hồ sơ kê khai quá trình buôn bán và hình ảnh rất cụ thể. Hơn nữa, số liệu này các phường và các tổ chức, đoàn thể, mặt trận đều nắm rất rõ nên sẽ không bỏ sót trường hợp nào.

Vạch kẻ sơn làm lằn ranh buôn bán

. Còn những người bán hàng rong ở những phường khác trên địa bàn quận 1 thì sẽ giải quyết công ăn việc làm cho họ ra sao?

+ Ngoài hai phường nói trên, tám phường còn lại chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho cô bác buôn bán ở vỉa hè của những tuyến đường có vỉa hè trên 3 m. Các vỉa hè này sẽ được kẻ vạch sơn để bà con vẫn có thể kinh doanh ổn định cuộc sống và đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị.

. Trước đây quận 1 dự định chọn tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm để tổ chức phố hàng rong. Tuy nhiên, được biết tuyến đường này hiện là tuyến kết nối với con đường âm nhạc từ đường Alexandre de Rhodes mà tới đây quận 1 sẽ thực hiện. Như vậy, quận 1 có tính chuyển phố hàng rong sang khu vực khác không?

+ Đúng là trước đây chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức phố hàng rong tại tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm. Tuy nhiên, quận 1 là khu vực trung tâm TP nên việc bố trí ở đâu thì chúng tôi cũng cần phải có ý kiến của các đơn vị có liên quan để cùng tham gia quản lý. Đặc biệt, với các tuyến mà bố trí ngay tại lòng đường hay vỉa hè thì càng phải cân nhắc kỹ hơn, nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà vấn đề ùn tắc giao thông đang là bài toán khó.

Chúng tôi cũng đã có đề án đang trình TP về chợ phiên cuối tuần ở Công viên cảng Bạch Đằng. Đây là vị trí đẹp mà hiện nay TP đã chỉ đạo Saigontourist bàn giao lại cho quận 1 quản lý. Từ khi tiếp quản từ đầu tháng 1-2017, quận 1 đã lập đề án tổ chức chợ phiên cuối tuần. Trong chợ phiên này, chúng tôi dự kiến sẽ bố trí một số bà con bán hàng rong vào buôn bán tại đây.

Sẽ sắp xếp, điều chỉnh ỗ phù hợp

Bà Trần Lê Thúy Vân, ngụ 68/355 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, đã có thâm niên bán hủ tiếu tại vỉa hè đường Mạc Đĩnh Chi năm năm nay. Với xe hủ tiếu cơ động mỗi ngày bà cũng kiếm thu nhập khoảng 250.000 đồng để lo cho gia đình vốn là hộ nghèo của phường Tân Định.

Bà Vân cho biết từ khi quận dẹp trật tự vỉa hè, trong đó có tuyến đường Mạc Đĩnh Chi, bà không còn được buôn bán ở đó nữa. Những ngày này bà Vân đang như ngồi trên đống lửa vì không có thu nhập. Mới đây, bà Vân được UBND phường Tân Định thông báo việc tổ chức cho bà Vân được bán hủ tiếu tại phố hàng rong. Tuy nhiên, theo bà Vân, phường thông tin chỉ cho phép bán trong vòng hai tiếng buổi sáng (từ 6 giờ đến 8 giờ) và hai tiếng buổi trưa (từ 11 giờ đến 13 giờ). Việc bán hủ tiếu chỉ được gói gọn trong hai giờ đồng hồ/buổi, trong đó có cả khâu chế biến, nấu nướng tại chỗ và bán cho khách hàng.

“Chỉ riêng khâu chế biến, nấu nướng cũng mất cả hai tiếng rồi, lấy đâu ra thời gian để bán cho khách nữa. Chúng tôi mong quận xem xét lại, cho thêm thời gian hoặc cho chế biến ở nhà và mang ra bán thì may ra mới kịp. Còn không thì không thể nào làm kịp” - bà Vân kiến nghị.

Về việc này, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết khi làm đề án, quận cũng có tiếp thu ý kiến này. “Đây cũng là một vấn đề mà tới đây trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của bà con cô bác và có điều chỉnh cho phù hợp, không thể duy ý chí được. Đây là một chủ trương rất nhân văn song cũng phải làm sao để phù hợp với thực tế kinh doanh của bà con” - ông Thuận nói.

___________________________

Mời anh làm việc khác!

Phải khoán trách nhiệm công vụ từng tuyến đường, từng khu phố cho từng cán bộ. Để xảy ra mất trật tự đô thị trên tuyến nào thì xử lý cán bộ của tuyến đó. Anh năng lực rất nhiều, rất tốt nhưng vì làm chỗ này không phù hợp thì trân trọng kính mời đồng chí sang làm ở một vị trí khác phù hợp hơn!

Bí thư Thành ủy ĐINH LA THĂNG (phát biểu tại hội nghị về công tác quản lý trật tự đô thị ngày 11-3)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm