Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng:

‘Quận 1 không thể cô đơn giành lại vỉa hè!’

“Chúng ta cần những con người như anh Hải, rất đáng khen”. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói tại buổi làm việc với UBND TP.HCM và 24 quận/huyện cùng các sở/ngành về công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn TP ngày 11-3.

Làm quyết liệt nhưng vẫn còn hiện tượng tái chiếm

Theo báo cáo của ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, trước và sau Tết Nguyên đán 2017, Ban An toàn giao thông TP đã tổ chức hai đợt kiểm tra công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường tại 159 tuyến đường kiểu mẫu. Kết quả là có 45 tuyến đường chuyển biến tốt, 92 tuyến có chuyển biến và 22 tuyến ít chuyển biến.

Giám đốc Sở GTVT cho biết hiện nay các địa phương đều đồng loạt ra quân và bước đầu đã có nhiều chuyển biến như quận 2, 4, 7, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi… Đặc biệt, gần đây có sự vào cuộc quyết liệt của các quận 1, 3, 6, Thủ Đức. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng giải quyết trật tự vỉa hè, lòng lề đường như bắt cóc bỏ dĩa tại một số quận/huyện. Sau khi kiểm tra, xử lý, tình trạng tái chiếm vẫn tiếp diễn.

Quận 1 là một trong những địa phương đi đầu trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết trong hơn hai tháng ra quân, trên địa bàn quận đã lập lại trật tự vỉa hè trên 45 tuyến đường. Tuy nhiên, ông Thuận cũng thừa nhận là tình trạng quán nhậu bày bàn ghế ra đường, các cơ sở kinh doanh gắn biển quảng cáo, bãi giữ xe, xây bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè. Trong 134 tuyến đường thì có 94 vỉa hè bị tái chiếm. Trong hơn hai tháng ra quân, quận 1 đã xử phạt hơn 1.200 trường hợp với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng, tháo dỡ hơn 800 biển quảng cáo, chậu cảnh, bậc tam cấp…

Tại quận Bình Tân, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận, cũng cho biết trên địa bàn có ba khu công nghiệp tập trung hàng ngàn công nhân. Đây cũng là nơi có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường rất phức tạp.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo phá dỡ bậc thềm lấn chiếm vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hứa “từ quan” nếu không dẹp được vỉa hè

Tại buổi làm việc, báo cáo với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, bà Ngô Hải Yến, Chủ tịch UBND phường Đa Kao, quận 1, cho biết phường này có rất nhiều tuyến đường không có vỉa hè. Trong khi đó có hàng ngàn cơ sở kinh doanh thường xuyên lấn chiếm vỉa hè.

Khi Bí thư Thành ủy chất vấn lãnh đạo phường Đa Kao có dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè hay không và có duy trì, không để tái chiếm không thì bà Yến cam kết sẽ làm được. “Quận cứ mỗi tuần ra quân hai lần nhưng phường thì làm từ sáng, chiều, cả buổi tối và đến nay thì đã cơ bản giải quyết được tình trạng tái chiếm vỉa hè” - bà Yến cho hay. Đồng thời, bà cho biết đã tham mưu cho quận 1 bố trí, sắp xếp chỗ kinh doanh cho các hộ buôn bán hàng trong phường hoặc hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân nghèo trên địa bàn.

Tương tự, bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, cũng cam kết với lãnh đạo Thành ủy từ nay đến cuối năm 2017 tất cả tuyến đường tại phường này sẽ thông thoáng. “Tôi xin hứa với các đồng chí, nếu không làm được thì tôi sẽ nhường lại vị trí của tôi để đồng chí khác làm” - bà Tín khẳng định mạnh mẽ.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

“Hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, sự vào cuộc với quyết tâm của các sở/ngành và địa phương. Quận 1 sẽ không cô đơn, anh Hải sẽ không cô đơn. Chúng ta cần những người như anh Hải, rất đáng khen. Vừa rồi nghe báo cáo của hai chủ tịch phường tôi cũng rất xúc động. Quan trọng nhất là chúng ta thể hiện được sự quyết tâm chính trị và bản lĩnh trong việc tổ chức sắp xếp lại vỉa hè” - Bí thư Thăng phát biểu sau những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo các địa phương.

Ông Thăng đánh giá chưa bao giờ TP nhận được sự đồng tình cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận của người dân, sự đồng tình báo chí về việc lập lại trật tự đô thị như bây giờ. Ngoài ra còn có thêm thuận lợi là các tỉnh, thành khác cũng đồng loạt vào cuộc để “dẹp loạn” vỉa hè. “Điều khó nhất mà TP phải đối mặt trong lần này là câu hỏi mà nhiều người dân nghi ngại: Chính quyền làm nhiều lần rồi, lần này có làm được không?” - ông Thăng đặt vấn đề.

Theo ông Thăng, thay đổi thói quen của một nền kinh tế vỉa hè, phong tục tập quán gắn với vỉa hè là điều rất khó. Tuy nhiên, khó như bắt buộc đội nón bảo hiểm, như cấm đốt pháo - phong tục tập quán lâu đời mà còn làm được thì không lý gì dọn dẹp vỉa hè lại không làm được.

Sắp tới ông Đinh La Thăng yêu cầu khoán trách nhiệm công vụ, từng tuyến đường, từng khu phố cho từng cán bộ. Để xảy ra mất trật tự đô thị trên tuyến nào thì xử lý cán bộ của tuyến đó, đồng thời kiên quyết dẹp chuyện bảo kê, chống lưng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè; công khai các điểm đỗ, đậu xe, mức giá cụ thể…

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý không nên nghĩ người buôn bán ở vỉa hè chỉ là mưu sinh, mà bao năm qua họ cũng góp sức về nguồn lực cho TP, do đó siết chặt về kỷ cương nhưng phải tạo được công ăn việc làm cho người dân. “Phải thấu tình đạt lý mới tạo ra được sự đồng thuận” - ông Thăng nói.

TÔ THỊ BÍCH CHÂU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM:

“Phải quan tâm đằng sau mỗi gánh hàng rong là một gia đình”

Khi giải quyết vấn đề vỉa hè, TP cần có lộ trình cụ thể, các biện pháp làm sao để chuyển đổi, tạo công ăn việc làm mới hoặc có chỗ buôn bán mới, đúng quy định cho người dân. Thêm vào đó muốn chống tình trạng xe đỗ lấn chiếm lòng lề đường thì phải có các bãi xe để người dân gửi và phải gần các khu trung tâm chứ không phải đi bộ hàng cây số mới đến được cửa hàng hay khu phố họ cần đến.

Rất nhiều người già, trẻ em và phụ nữ vì hoàn cảnh mà phải buôn gánh bán bưng buộc phải rơi vào cảnh lấn chiếm lòng lề đường. Đó là vấn đề mang tính xã hội và trách nhiệm của Nhà nước là phải quan tâm giải quyết, đằng sau mỗi gánh hàng rong là một gia đình. Đó là sự thật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm