23 giờ 30, trời TP về đêm trở lạnh, phố đã vãn người qua lại. Thi thoảng lại nghe một tiếng “bíp... bíp” hiếm hoi của chiếc xe máy đang lao nhanh trên đường giữa đêm vắng.
“Mẹ đỡ đầu” của những gánh hàng xa quê
Bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, quê Bình Định) cứ ngước nhìn ra phía đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) khi nghe tiếng còi xe, hai tay vẫn đang gỡ những miếng bánh tráng bỏ vào từng gói nhỏ. Càng về khuya, khách ít hẳn đi, hễ cứ nghe tiếng còi là bà lại hy vọng có thêm một người khách ghé lại để mua.
Phía sau gánh hàng rong của bà Mai trên mảnh đất nhỏ gần trạm xe buýt ở đường Ngô Tất Tố là ba gánh hàng của ba người phụ nữ ở chung nhà với bà. Hơn 11 năm cùng nhau bán hàng, họ thân thiết, thương nhau như người một nhà.
Nhìn vào cách bày biện, dàn hàng để bán thôi, người ta cũng cảm nhận được sự che chở của bà dành cho ba người còn lại.
Nhẩm trên đầu ngón tay, bà Mai tâm sự đã lăn lộn ở đất TP.HCM hơn nửa đời người với gánh hàng rong đầy ắp những thức quà ăn vặt. Nỗi niềm xa quê, sự khắc nghiệt của cuộc sống ở phố thị, những lần bị lừa tiền, những ngày chạy trốn công an... bà đều đã trải qua hết. Khi nghe những người mẹ trẻ cùng quê muốn lên TP để kiếm sống, bà bảo cứ vào ở chung với bà, có gì chưa biết thì bà chỉ cho mà làm. Các chị gọi bà là “mẹ đỡ đầu” của mình trên hành trình mưu sinh nhọc nhằn.
Chị Thủy (46 tuổi) tâm sự với chị thì bà Mai như là người mẹ hiền thứ hai chỉ dạy cho chị trong cuộc mưu sinh ở chốn đất chật người đông này.
“Ở quê, nhà tôi ở gần nhà bà, biết bà vào phố để làm từ mấy chục năm nay rồi. Hai con đang tuổi lớn nên mỗi độ bà về thăm quê, tôi đều hỏi thăm bà công việc trong này. Ngày tôi quyết định lên phố, bà là người cưu mang và giúp tôi trong những ngày đầu ở đây. Với hai chị cũng vậy, không là máu mủ gì của bà nhưng bà đều sẵn lòng giúp đỡ cả ba như con gái ruột của mình” - chị Thủy kể.
Bốn người phụ nữ trong căn phòng trọ ở khu chợ nhỏ cứ đùm bọc nhau như vậy sống qua ngày. Mới đó cũng hơn 11 năm họ chia nhau từng bữa cơm đạm bạc, lo lắng cho nhau khi người kia bị bệnh, san sẻ với nhau chuyện buồn khi gia đình có chuyện không may.
Còn trong ngôi nhà mà chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, quê Bình Định) đang ở với mấy chị em đồng hương, gần Bến xe Miền Đông cũng đầy ắp sự quan tâm và lo lắng cho nhau như vậy.
“Nhiều khi tôi đi về mệt, có mấy chị hỏi han, pha cho ly nước uống giải khát rồi cùng nhau ngồi đếm lại tiền xem hôm nay bán như thế nào cũng thấy mình được an ủi nhiều lắm. Xa gia đình nhưng tôi vẫn có mấy chị để làm bạn, cùng san sẻ lúc khó khăn, tủi cực. Vui buồn gì cũng có nhau hết” - chị Hoa chia sẻ.
Bà Mai (người ngồi hàng đầu trong ảnh),“mẹ đỡ đầu” của ba người phụ nữ cùng quê Bình Định trong cuộc mưu sinh ở Sài Gòn. Ảnh: THANH TUYỀN
Gánh hàng của chị Mười trên đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến lũ nhỏ mê tít và hay khóc mỗi khi không thấy gánh hàng của chị để mua quà vặt. Ảnh: THANH TUYỀN
Tâm tình giữa người mua kẻ bán
Gánh hàng rong trên các con đường, ngõ hẻm không chỉ đơn thuần là quan hệ mua bán giữa người với người, để lấp đầy cái bụng đói cồn cào sau giờ tan ca hay đáp ứng sự vòi vĩnh của những đứa trẻ với cha mẹ sau khi tan trường... Ở đó còn tồn tại cả sự bình yên, như một cách để giải tỏa căng thẳng, cả tiếng cười giữa những người dưng với nhau.
Quang gánh của bà Mai, chị Thủy ở góc đường Ngô Tất Tố là nơi tâm tình của biết bao nhiêu người đến mua rồi ngồi lại để kể chuyện cuộc đời mình.
Anh nhân viên văn phòng sau giờ tan ca chưa chịu về nhà, chạy chiếc xe tay ga đến đậu bên chỗ ngồi của chị Thủy. Anh mua một củ sắn rồi xin phép được ngồi lại, nói huyên thuyên về công việc của mình cho chị nghe. Anh kể về những khó khăn mà mình đang gặp, kể về sự cố mà gia đình mình đang phải trải qua.
Tay vẫn đang gọt củ sắn, mặt tươi cười, chị Thủy nói với người thanh niên bằng chất giọng Bình Định: “Chú cứ coi tôi đây nè, còn khó khăn hơn chú nhiều lắm đó chứ. Chú có việc làm còn tốt hơn nhiều người, còn trẻ thì cứ lo làm đi đã, chuyện gì cũng sẽ ổn hết. Cứ tin vậy mà cười rồi làm cho tốt vào. Chuyện gia đình chú chia sẻ với mọi người trong nhà coi sao, biết đâu họ hiểu chú mà”.
Nghe chị nói, cơ mặt anh giãn ra: “Ngồi với chị một chút mà thấy nhẹ nhõm ghê. Tự nhiên tôi thấy không còn gánh nặng nào nữa cả”.
Tiếng hai người nói cười giòn tan, phá vỡ không gian tĩnh lặng trong đêm.
Gánh hàng của chị Mười trên đường Nguyễn Hữu Cảnh lúc nào cũng chào đón mọi người đến ngồi nói chuyện dù họ không mua gì. Thanh niên có, bà già có, bà mẹ trẻ ẵm con cũng có, người đi ra, đi vào nói dăm ba câu, có người thì ngồi say mê nói chuyện mãi không chịu về.
“Vậy chứ mà vui. Ít ra thì cũng có người tin tưởng mà tâm sự với mình. Nhiều khi vậy cực thêm chút xíu, thức đêm thêm chút xíu nữa mà nghe được câu chuyện của mọi người lại thấy quý” - chị Mười nói.
Đến cả con nít cũng mê cái gánh hàng của chị, có hôm không thấy chị đâu lại khóc um lên. “Bà bán gánh, bà bán gánh lấy cho con một gói bánh nhỏ trên kia với” - cô bé năm tuổi đạp chiếc xe cọc cạch đến gánh hàng của chị Mười. Còn cậu nhóc nhà hàng xóm thì cứ đến đêm là đòi mẹ ẵm ra hàng gánh của chị để chơi.
“Ăn không hết thì cứ trả, bà gửi tiền lại!”
Huỳnh Lan, sinh viên năm nhất, đi làm thêm về giữa đêm khuya, ghé gánh hàng bà Mai mua gói bánh tráng trộn. Kéo ghế ngồi, cô kể chuyện gia đình và lo lắng của cô khi mới vào TP cho bà Mai nghe.
“Chẳng hiểu sao nhưng mà lần nào đi ngang qua đây con cũng ghé lại chỗ bà ngồi nói chuyện một chút rồi về. Cảm giác như trút bỏ được mọi lo toan vậy bà” - Lan nói với bà Mai.
Một lúc sau, Lan mua thêm hai quả trứng gà luộc. Lan ăn hết một quả rồi không ăn nữa. Thấy vậy, bà Mai gặng hỏi Lan: “Con có ăn hết quả này không đó?”. Câu hỏi của bà khiến Lan bất ngờ, nhìn bà chưa biết trả lời ra sao.
“Bà hỏi để biết. Nhiều đứa tới đây biết bà bán ế nên mua thứ này thứ kia tùm lum. Con ăn không hết thì cứ gửi trả bà rồi bà gửi tiền lại chứ mấy đứa là sinh viên tiền đâu ra mà mua giúp bà. Nói thật cho bà biết nghe, một là mang về phòng cho bạn ăn, hai là trả lại cho bà nếu không ăn nữa. Đừng ngại!” - bà Mai nói.
Người đến rồi đi. Ngày qua ngày, gánh hàng rong của những người con xa xứ vẫn còn đó, kiên nhẫn lắng nghe từng câu chuyện của bất cứ ai. Khi cuộc đời còn quá cơ cực và nhiều lo toan thì họ vẫn phải oằn mình chịu đựng cái lạnh của đêm đến ở xứ người.
TP.HCM không có chủ trương đẩy đuổi người bán hàng rong Đó là quan điểm được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong văn bản khẩn về việc tái lập trật tự lòng, lề đường, vỉa hè được Văn phòng UBND TP.HCM ban hành. Tại văn bản, lãnh đạo TP.HCM giao UBND các quận, huyện chấn chỉnh tình trạng chợ tự phát lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng lề đường để tụ tập, buôn bán; rà soát các vị trí đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán đảm bảo cuộc sống nhưng không được ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lưu ý công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt hành vi vi phạm trật tự lòng, lề đường, vỉa hè phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Cơ quan chức năng phải nhắc nhở, thông báo, vận động người vi phạm chấp hành và tự tháo dỡ trước khi cưỡng chế, xử lý theo quy định. |