Tổ chức đưa người vượt biên đánh cá, một ngư dân Cà Mau lãnh 2 năm tù

(PLO)- Bị cáo đã tổ chức đưa người vượt biên đánh cá trên biển Malaysia hơn 2 tháng và hậu quả là bị phạt 2 năm tù giam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-5, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, toà án huyện này đã mở phiên xét xử sơ thẩm, lưu động vụ án tổ chức đưa người vượt biên đánh cá.

Bị cáo duy nhất trong vụ án là ngư dân Phạm Văn Nghệ, sinh 1971, ngụ xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, tạm trú thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Đưa người vượt biên đánh cá 10.jpg
Bị cáo Nghệ tại phiên tòa lưu động đưa người vượt biên đánh cá. Ảnh: TRẦN VŨ

Hành vi nguy hiểm cho xã hội

Trên cơ sở chứng cứ điều tra và kết quả xét xử tại toà, HĐXX đủ cơ sở kết luận bị cáo Nghệ đã tổ chức, môi giới đưa 7 người từ Việt Nam vượt biên sang Malaysia bất hợp pháp để hành nghề đánh cá trên vùng biển nước này, trong thời gian khoảng hơn 2 tháng trước khi trở về biển Việt Nam và bị phát hiện bắt giữ.

"Hành vi của bị cáo Nghệ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng hoạt động quản lý Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đối tác với Malaysia. Cần thiết cách ly bị cáo Nghệ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian..."- HĐXX nhận định.

Từ đó, HĐXX đã tuyên bị cáo Nghệ 2 năm tù về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự. Nghệ được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành thật khai báo, ăn năn hối cải.

Bản án cũng nhận định ngoài hình phạt tù, bị cáo Nghệ có thể bị phạt tiền theo quy định pháp luật. Tuy nhiên xét thấy bị cáo chỉ là người làm thuê nên không phạt tiền. Tàu cá liên quan vụ án bị tuyên tịch thu sung công.

Trước đó, nói lời sau cùng, Nghệ cho biết đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thật lòng ăn năn hối cải. Hứa tuyệt đối không tái phạm. Xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm về nhà lao động nuôi vợ con.

Đưa người vượt biên đánh cá 8.jpg
Có vài trăm người dân đến tham dự phiên tòa lưu động vụ án đưa người vượt biên đánh cá. Ảnh: TRẦN VŨ

Đưa người ra nước ngoài đánh cá

Theo cáo trạng, vào đầu năm 2023, bị cáo Nghệ đã cấu kết với Lê Thị Đẳng, tên khác là Nguyễn Thuỳ Trang, người Việt Nam đang định cư ở Malaysia để thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Nghệ đã nhận 60 triệu đồng từ Lê Thị Đẳng cho 6 ngư phủ ra nước ngoài đánh cá. Mỗi người được bị cáo Nghệ đưa 10 triệu đồng, gọi là tiền ứng trước.

Khoảng 21 giờ ngày 9-2-2023, tàu cá do Nghệ và Lê Thị Đẳng tổ chức xuất phát từ ngoài khơi gần cửa biển Sông Đốc, vượt biên sang Malaysia. Trên tàu có Lê Quốc Khánh và Huỳnh Văn Lâm - tàu cá KG-94137-TS. Con tàu này do Lê Thị Đẳng mua của ngư dân tỉnh Kiên Giang, giao cho Nghệ tổ chức sửa chữa và vượt biên đến Malaysia.

Đưa người vượt biên đánh cá 5.jpg
Nhiều ngư dân ở cửa biển Sông Đốc đến xem xét xử vụ án đưa vượt biên đánh cá. Ảnh: TRẦN VŨ

Khoảng 5 ngày sau, tức vào ngày 13-2-2023, bị cáo Nghệ dẫn theo 5 ngư phủ khác đi bằng đường hàng không sang Malaysia, được Lê Thị Đẳng tổ chức đón và đưa ra cửa biển EnDau, Malaysia, xuống tàu cá KG-94137-TS. Lúc này, tàu KG-94137-TS đã được Lê Thị Đẳng cho sơn sửa thành tàu cá Malaysia, với biển kiểm soát là PAF4860.

Trả lời trước tòa, bị cáo Nghệ bảo khi ra nước ngoài, toàn bộ thủ tục do Đẳng làm sẵn, cả nhóm chỉ xuống tàu đi đánh bắt. Tàu đi đánh bắt như mọi ngư dân ở đất nước Malaysia, vào ra cửa biển trình giấy tờ với nhà chức trách Malaysia bình thường.

Do Đẳng không công khai sản lượng và giá bán thủy sản khai thác được, cảm thấy không minh bạch trong ăn chia nên bị cáo Nghệ tức giận cho tàu về Việt Nam.

Khi đánh bắt cá trên vùng biển Malaysia hơn 2 tháng thì giữa Nghệ và Lê Thị Đẳng mâu thuẩn, do Nghệ cho rằng Đẳng không giữ lời hứa ăn chia đúng tỷ lệ như đã thoả thuận ban đầu. Từ đó, vào ngày 24-4-2023, Nghệ cho tàu cá chạy về Việt Nam. Tuy nhiên, khi còn cách cửa biển Sông Đốc khoảng 4 hải lý thì máy hư, tàu cá của Nghệ phải neo đậu.

Đến khoảng 3 giờ 30 phút ngày 2-5-2024, Đồn biên phòng Sông Đốc tuần tra phát hiện và đưa vào bờ, lập biên bản.

Với hành vi "ở lại nước ngoài trái phép" và "nhập cảnh vào Việt Nam trái phép" của bị cáo Phạm Văn Nghệ và các ngư phủ đi cùng, HĐXX đồng tình với cơ quan điều tra và VKS là chưa cấu thành tội phạm, chỉ xử lý hành chính là có cơ sở.

Riêng Lê Thị Đẳng, do ở nước ngoài nên cơ quan điều tra chưa làm việc được, tách ra xử lý sau.

Đưa người vượt biên đánh cá 6.jpg
Toàn cảnh phiên xử lưu động. Ảnh: TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm