Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nên có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 - vốn có nhiều ý kiến khẳng định cần điều chỉnh để tạo cơ chế cho TP.HCM phát triển.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhấn mạnh những điểm cần thay đổi trong nghị quyết mới này.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân. |
Thực hiện cơ chế được trao còn chậm
. Phóng viên: Theo ông, việc thực hiện Nghị quyết 54 từ năm 2017 bộc lộ những vấn đề gì trên thực tế cần giải quyết?
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Việt Nam có hai đô thị đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Thủ đô Hà Nội thì đã có Luật Thủ đô làm cơ sở pháp lý để phát triển. Còn TP.HCM vì chưa có luật đô thị đặc biệt nên cần cơ chế đặc thù dưới luật.
Cuối năm nay, TP sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đó có thể là luật hoặc nghị quyết thay thế nghị quyết này, bổ sung những vấn đề khác.
Đối với việc tạo điều kiện cho HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, TP đã làm được một số diện tích nhưng còn rất chậm.
Chủ trương để TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên là một quyết định hợp lý, cần luật hóa hoặc tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
TP đã lập danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, trình HĐND TP thông qua 32 dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa, với tổng diện tích là 1.843,79 ha. Tuy vậy, tỉ lệ được chuyển đổi còn ít. Đất trồng lúa ở TP còn nhiều nên tới đây cần tiếp tục có nhiều dự án cụ thể hơn để HĐND TP thông qua.
HĐND TP cũng đã được trao quyền quyết định các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TP. Tuy vậy, TP mới triển khai được sáu dự án.
Năm năm qua, TP phải mất một năm triển khai Nghị quyết 54, hai năm đối phó với đại dịch COVID-19, nên việc tận dụng Nghị quyết 54 còn hạn chế.
Chưa kể bộ máy của TP vừa giải quyết những công việc cũ, dự án cũ, kết quả thanh tra lại phải vừa giải quyết những vấn đề mới. Lãnh đạo TP phải làm việc luôn thứ Bảy, Chủ nhật để tháo gỡ các vướng mắc. Mặt khác, TP lại có biến động thiếu hụt về nhân sự lãnh đạo. Đó là những thách thức rất lớn cần chung tay giải quyết.
Để đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở vật chất, TP.HCM cần nguồn ngân sách khổng lồ. Ảnh: NGUYỆT NHI |
. Cơ chế quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách luôn đặc biệt quan trọng. Có ý kiến cho rằng TP cần tận dụng cơ chế này tốt hơn nữa?
+ Thực hiện Nghị quyết 54, TP đã thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Sau một thời gian thu được hơn 131 tỉ đồng.
Việc thu phí hạ tầng cảng biển, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên phải trì hoãn, gần đây mới được thực hiện.
Trong Nghị quyết 54 còn vấn đề ngân sách TP được hưởng 50% tiền sử dụng đất, tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Đây là cơ chế mà TP đã lên tiếng rất nhiều mới có.
Tuy vậy, vẫn chưa thực hiện được cơ chế này vì các cơ quan trung ương chưa có sự phối hợp, chưa bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch. Do đó, TP chưa hề có khoản thu hứa hẹn này để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính đang triển khai sắp xếp lại nhà đất, tránh lãng phí. Hiện nay, nhiều tài sản công trên địa bàn TP để lãng phí, không sử dụng.
Về cơ chế, ngân sách TP còn được bổ sung từ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng mấy năm gần đây, do nhiều nguyên nhân nên TP chưa đẩy nhanh được quá trình này. Các khúc mắc xung quanh vấn đề này vẫn đang được giải quyết.
Đô thị loại đặc biệt là TP trực thuộc trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc. Quy mô dân số: Từ 5 triệu người trở lên. Mật độ dân số khu vực nội thành: Từ 15.000 người/km2 trở lên. Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động.
Cần thêm sự hợp tác từ cơ quan trung ương
. Một số ý kiến nhìn nhận TP đã có cơ chế chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc nhưng thu nhập không đạt như mức trần cho phép?
+ Theo cơ chế đã có, thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Thế nhưng năm năm qua, ngân sách TP chỉ có thể đáp ứng tăng được 1,2 lần. Có thời điểm chỉ đảm bảo đúng 1,0 lần vì ngân sách phải dành để ứng phó với đại dịch COVID-19.
. Từ việc thực hiện Nghị quyết 54, theo ông cần có những điều chỉnh gì ở nghị quyết thay thế để tạo điều kiện cho TP phát triển thuận lợi hơn?
+ Theo đánh giá chung, Nghị quyết 54 đã tạo được nhiều cơ chế để TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, cần tăng cường cơ chế cho sự phối kết hợp giữa các cơ quan trung ương và TP. Trong cơ chế mới, Quốc hội cần tăng cường hỗ trợ TP. Các cơ quan trung ương cần có sự phối kết hợp để TP giải quyết tốt vấn đề đất đai, tăng cường nguồn thu. Cần có biện pháp cụ thể để các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP phải bàn giao những tài sản không sử dụng, bán đấu giá, thu hồi vốn, tránh lãng phí.
Các sở, ban ngành đang nghiên cứu thêm về việc tiếp tục đề xuất phân cấp, phân quyền cho TP để chủ động hơn trong nhiều lĩnh vực.
Vấn đề lớn nhất của TP.HCM vẫn là: Đô thị lớn, dân số đông, mật độ cao nhưng thiếu cơ chế phù hợp. Chính phủ sẽ ban hành quy định về quản lý tài chính, ngân sách, tổ chức, bộ máy, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm xây dựng. Trong khi chờ đợi các quy định này, cần xây dựng cơ chế thí điểm phân cấp ủy quyền quản lý nhà nước cho TP.HCM. Trung ương và TP cần có sự đồng thuận để ban hành một cơ chế bao phủ hết các nội dung trên, cũng như giải quyết được những khúc mắc đang cản trở sự phát triển của TP nói chung.
Ngân sách TP còn được bổ sung từ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước nhưng vì nhiều nguyên nhân, TP chưa đẩy nhanh được quá trình này.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
. Vấn đề tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển vẫn tiếp tục được dư luận lên tiếng. Điều này cần được đề cập thế nào khi xây dựng cơ chế mới cho TP?
+ Tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM năm 2022 được điều chỉnh từ 18% lên 21%. Tỉ lệ này cần tăng từ 21% lên 25%, hoặc ít nhất là 23% để TP có ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất.
Trong giai đoạn 2016-2020, TP chỉ giữ lại được 360.000 tỉ đồng để chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Mỗi năm TP chỉ chi cho đầu tư phát triển khoảng 30.000 tỉ đồng, trong khi để đáp ứng nhu cầu này cần khoảng cả trăm ngàn tỉ đồng/năm.
Với mật độ dân cư đông, vấn đề giao thông vận tải, xây dựng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật của TP đòi hỏi chi phí rất cao. Qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi mới thấy hệ thống y tế của TP không có khả năng đáp ứng. Chưa kể chi phí để đầu tư cho đường vành đai 2 hiện nay chưa khép kín. Ngoài ra, sắp tới cần xây dựng đường vành đai 3, vành đai 4 với số vốn rất lớn.
. Xin cám ơn ông.
Triển khai Nghị quyết 54 chậm vì nhiều nguyên nhân
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: Việc triển khai một số nội dung theo Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Nguyên do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. Ngoài ra, vì đây là những vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn nên khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ. Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân của vấn đề trên.
Thời gian qua, công tác hậu kiểm, phối hợp rà soát việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý các nhà đất do cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP chưa đảm bảo tiến độ.