Liên tiếp những vụ tai nạn do xe “điên”
Riêng trong đầu tháng 11-2015 này, những vụ tai nạn liên quan đến xe "điên” xảy ra liên tiếp. Mới đây nhất, khoảng 22 giờ 15 ngày 13-11 tại ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ (ngay gần tòa nhà Keangnam, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn khiến một cô gái trẻ tử vong tại chỗ.
Tại cơ quan điều tra, tài xế xe Santafe biển số 30A-585.65 khai đã nhấn nhầm chân thắng sang chân ga nên xe lao đi rất nhanh không kịp xử lý và đâm vào ô tô bảy chỗ. Tiếp sau đó, chiếc xe này đã đâm vào xe máy chở một đôi nam nữ đi cùng chiều. Phụ nữ trẻ ngồi trên xe máy bị kéo vào gầm xe và tử vong.
Hiện trường vụ tai nạn xe “điên” tại ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ.
Trước đó, vụ tai nạn xe "điên" kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc vẫn khiến nhiều người hoảng sợ mỗi khi nhớ lại. Khoảng 22 giờ 40 đêm 8-11, lái xe Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1974, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển xe taxi biển số 30A-646.73 đi theo hướng từ ngã tư Sở về phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa). Khi lên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, xe taxi đã đâm vào hàng loạt xe máy đang đi hướng ngược lại, rồi lao vào thành cầu bên trái trước khi dừng lại khiến một người tử vong và tám người bị thương nặng.
Đặc biệt, sau khi gây tai nạn liên hoàn tài xế taxi đã không giữ được bình tĩnh và nhảy xuống chân cầu vượt. Hiện Đỗ Mạnh Cường vẫn đang được cấp cứu trong tình trạng bị chấn thương sọ não nặng tại BV ĐH Y (Hà Nội).
Cách đó không lâu, một vụ tai nạn xe “điên” khác tại TP.HCM cũng khiến người tham gia giao thông phải hoang mang. Khoảng 16 giờ 15 ngày 5-11, ô tô bảy chỗ màu đen hiệu Land-Rover biển số 51F-278.73 ôm cua với tốc độ cao tại vòng xoay Dân Chủ (quận 3, TP.HCM) được cho là mất lái tông vào ba xe máy đang đi trên đường. Xe “điên” cuốn vào gầm một xe máy rồi kéo lê đi và bốc cháy. Ô tô “điên” chỉ dừng lại khi đâm thẳng vào một cửa hàng bán xe máy Honda.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2015 (từ ngày 16-12-2014 đến 15-6-2015) toàn quốc đã xảy ra 11.179 vụ tai nạn giao thông khiến 4.478 người thiệt mạng. Trung bình mỗi ngày có hơn 81 người thương vong vì tai nạn giao thông.
Taxi “điên” đã đi với vận tốc cao và mất lái đâm vào hàng loạt xe máy đang đi trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc. |
Xế hộp “điên” chỉ dừng lại khi đâm vào một cửa hàng xe máy sau khi va chạm với nhiều phương tiện khác trên đường tại vòng xoay Dân Chủ. |
Xe "điên" phần nhiều do ý thức
Không làm chủ được tốc độ, thiếu kỹ năng xử lý, mất bình tĩnh khi xảy ra va chạm... đâm vào hàng loạt xe máy đang tham gia giao thông, làm bị thương nhiều người là những điểm chung của tình trạng xe “điên" xảy ra thời gian gần đây.
Bày tỏ quan điểm của mình về nguyên nhân gần đây xuất hiện nhiều xe mất lái đâm vào nhiều phương tiện đang lưu thông trên đường, anh Phạm Văn Hùng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ tình trạng xe “điên" xảy ra không nhiều nhưng đã xảy ra thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông càng khiến sự việc nặng nề hơn.
Nguyên nhân được anh Hùng nêu ra là do cả hai yếu tố chủ quan và khách quan: “Ý thức của người lái xe, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe… và do cơ sở hạ tầng giao thông ở nước ta còn kém là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn kinh hoàng này”.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Trần Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) còn bổ sung thêm một khía cạnh cá nhân: “Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn liên hoàn còn là kỹ năng của người lái xe. Hiện nay, việc học bằng lái xe cũng chưa thực sự nghiêm túc. Việc sát hạch, kiểm định sức khỏe chưa chuẩn… đã dẫn đến việc xử lý tình huống kém”.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Sao Bắc Việt, cũng thừa nhận nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn là do ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, những kỹ năng cầm lái, khả năng quan sát của người tài xế… cũng là nguyên nhân các tài xế biến mình thành xe “điên”.
“Nguyên nhân trong các vụ xe “điên” gây tai nạn chủ yếu là do tài xế nhấn chân thắng sang chân ga. Như vậy, chỉ cần vài giây thôi, cùng với hệ thống thần kinh không thể điều khiển được hành động và mất tinh thần, người tài xế cứng đờ chân và xảy ra tai nạn đáng tiếc” - ông Hùng chỉ ra nguyên nhân gây tai nạn.
Là một tài xế đi ô tô như nhiều người khác, ông Hùng chia sẻ: “Mình luôn quan niệm khi đã cầm vô lăng, lúc đó cũng như mình đang cầm súng, việc nhấn chân ga bất kỳ lúc nào cũng có thể xảy ra cướp cò, gây ra những tai nạn không thể lường được trong một vài phút đồng hồ”.
Làm sao để không trở thành người lái xe... "điên"?
Đứng trên phương diện là một người nhiều năm đào tạo lái xe ở Việt Nam, ông Hùng phân tích: “Một trong những kỹ năng đơn giản nhất để tránh biến mình thành xe “điên” đó là kỹ năng đặt chân. Theo nguyên tắc, tài xế phải đặt chân 90 độ so với chân thắng và 45 độ so với chân ga. Gót chân tài xế luôn cố định, không được nhấc khỏi sàn. Vì khi tài xế đạp nhầm chân ga, xe rồ lên, người tài xế sẽ có phản xạ tức thời. Chỉ chưa đến 1/100 của giây, chân tài xế đã chuyển sang vị trí quay ngược với góc 45 độ đạp vào chân thắng khi chân đặt đúng vị trí".
“Khi các tài xế đã nắm thật chắc kỹ năng điều khiển xe, lúc đó tài xế mới điều khiển được tâm lý tốt. Tức là người lái xe phải tạo ra được một quá trình luyện tập thành thói quen, tạo thành phản xạ có ý thức mới tránh được những tai nạn đáng tiếc” - ông Hùng nhấn mạnh.
Điều ông Hùng khuyến cáo tới tất cả mọi người, phải thực sự nghiêm túc trong quá trình học lái xe, không nên bỏ qua những bài học cho là đơn giản. Và các tài xế phải đầu tư thời gian rèn luyện kỹ năng và đặc biệt có ý thức khi tham gia giao thông.
Theo GS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xe “điên” gây ra những vụ tai nạn giao thông đã được chỉ ra. Chẳng hạn, có thể người điều khiển phương tiện không thao tác đúng kỹ năng, kỹ thuật khi điều khiển phương tiện xe, cũng có thể do tâm lý người tham gia giao thông trong trạng thái không tỉnh táo, mất kiểm soát hoặc chí ít trong trạng thái không bình thường (tâm lý, thái độ, tình cảm bị cú sốc dẫn đến va chạm, mâu thuẫn khi điều khiển xe hoặc lái xe sử dụng chất gây nghiện). Ngoài ra, có thể kể đến lý do hạ tầng giao thông thấp kém, do công tác quản lý giao thông và các yếu tố khách quan khác. TS Trịnh Hòa Bình cũng tán thành với ý kiến của Ủy ban ATGT khi cho rằng ý thức của người khi tham gia giao thông là nguyên nhân đầu tiên và chiếm tỉ phần nhiều nhất, cũng quan trọng nhất của bức tranh vi phạm về trật tự ATGT. |
Theo Trí thức trẻ/Vietnamcar.com