Chiều 1-11, phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử hai bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi) và Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi) cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tiếp tục với phần xét hỏi.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng (phải) yêu cầu làm rõ việc kết luận giám định cho rằng xe container giảm tốc độ từ 62 km/giờ về 0 chỉ trong một giây.
Đáng chú ý, phòng xét xử trở nên “nóng” khi tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng cho rằng việc giảm từ 62 km/giờ xuống 0 chỉ bằng một cú nhấp phanh là không thể, trong khi đó, đại diện Viện Khoa học hình sự nói kết luận giám định chỉ dựa trên dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình.
Cụ thể, Hoàng cho biết suốt quãng đường di chuyển trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, bị cáo luôn lái xe với tốc độ 60-65 km/giờ (trong khoảng tốc độ tối thiểu cho phép trên cao tốc). Tuy nhiên, cấp sơ thẩm nhận định xe container đang đi ở tốc độ 62 km/giờ, đến khi đâm vào xe Innova thì về 0 km/giờ. Hoàng khẳng định việc đang đi với tốc độ như vậy mà phanh một lần về 0 là điều không thể.
Để làm rõ chi tiết này, HĐXX đã triệu tập ông Hà Xuân Đức, giám định viên của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
Ông Đức trình bày vào ngày 29-12-2016, cơ quan giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) yêu cầu giám định số và kỹ thuật điện tử liên quan đến vụ tai nạn nói trên.
Theo vị giám định viên này, đối tượng giám định theo quyết định trưng cầu là thiết bị giám sát hành trình, các kết luận mà cơ quan giám định đưa ra đều dựa trên dữ liệu trích xuất từ bộ nhớ của thiết bị đó. Các dữ liệu này được trích xuất từng giây.
“Trong thời điểm lúc 15 giờ 38 phút 59 giây (thời điểm xảy ra tai nạn - PV), tốc độ được ghi trong bộ nhớ là 62 km/giờ. Sau đó, đến giây tiếp theo (15 giờ 39 phút 00 giây) thiết bị giám sát hành trình ghi là 0 km/giờ. Căn cứ vào điều này, chúng tôi không ghi nhận trước thời điểm 15 giờ 38 phút 59 giây có sự giảm tốc độ” - ông Đức nói trước tòa.
Vị này cũng khẳng định thời gian hiển thị trên thiết bị giám sát hành trình là do nhà sản xuất cài đặt, còn thời gian thực hay không thì cơ quan giám định không xác định, “chúng tôi chỉ căn cứ trên thiết bị đó để trả lời cơ quan điều tra”.
HĐXX tiếp tục đề nghị ông Đức giải thích thêm về việc xe container giảm tốc độ từ 62 km/giờ về 0 chỉ trong một giây. Ông Đức khẳng định trong kết luận giám định, thông tin mà cơ quan giám định đưa ra dựa trên dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình chứ không thể lý giải tại sao.
Cùng xét hỏi về vấn đề trên, luật sư Giang Hồng Thanh, người bào chữa cho bị cáo Hoàng, hỏi ông Đức về việc sau khi xảy ra tai nạn thì tín hiệu giám sát hành trình bị mất, vậy căn cứ nào khẳng định xe từ 62 km/giờ về 0 ngay mà không giảm tốc độ?
Ông Hà Xuân Đức tái khẳng định dữ liệu mà cơ quan giám định phát hiện trong khoảng thời gian một giây không xác định được lý do tại sao, do vậy không thể trả lời được.
Vị này cho hay không thể xác định thời điểm xảy ra tai nạn mà chỉ căn cứ vào dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình. Dữ liệu thông báo cho thấy trước khi về số 0 thì không thấy có sự giảm tốc độ.
Tiếp đó, HĐXX quay sang hỏi bị cáo Lê Ngọc Hoàng. Bị cáo này vẫn giữ nguyên quan điểm đã làm hết khả năng và trách nhiệm của một tài xế.
Vị thẩm phán đặt vấn đề bị cáo đã học và được cấp giấy phép lái xe, vậy khi nhìn thấy chướng ngại vật thì phải xử lý như thế nào? Hoàng nói rằng khi nhìn thấy xe Innova đã chuyển chân ga sang chân phanh, chuyển làn đường để tránh. Tuy nhiên, do phía sau có xe nên không chuyển được, lúc này phát hiện xe Innova lùi nên bị cáo phanh “chết” luôn.
Quá trình xét xử, người nhà bị cáo Hoàng cũng như các tài xế đồng nghiệp nhiều lần phản ứng khiến phiên tòa bị gián đoạn…