Vụ xe chạy ngược chiều: Xử sao cho “đắc nhân tâm”?

Vụ xe chạy ngược chiều: Xử sao cho “đắc nhân tâm”? ảnh 1

Ảnh chụp xe khách chạy ngược chiều trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ video clip mới của bạn đọc Nguyễn Hữu Xinh. Đây là đoạn video clip thứ hai về vụ này được bạn đọc gửi đến báo Tuổi Trẻ

Cơ quan chức năng: Căn cứ quy định hiện hành để xử lý

Không cho tài xế vi phạm tiếp tục lái xe

Ngày 13-5, ông Lê Chí Kiên - chủ xe 16 chỗ chạy ngược chiều trên đường cao tốc - khẳng định đã quyết định không cho tài xế Lê Quang Hải (người vi phạm) tiếp tục lái xe của mình nữa. Ông Kiên cho biết lúc đó trên xe có tới 14-15 hành khách. Hành vi quay đầu xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc không chỉ nguy hiểm cho các xe chạy đúng quy định mà còn nguy hiểm cho chính những người ngồi trên xe này. Cũng may là hôm đó không xảy ra việc gì. Dù vậy, xét thấy vi phạm của tài xế Hải là nghiêm trọng nên ông Kiên không cho ông này cầm lái nữa. Ông Kiên cũng đã làm việc với các tài xế khác và nhắc nhở không chạy quá tốc độ, không để xảy ra những tình huống nguy hiểm như vụ chạy xe ngược chiều trên đường cao tốc.

Ngày 13-5, ông Trần Văn Hùng - trưởng Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Long An - cho biết do tuyến đường cao tốc chỉ hơn 40km qua ba địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang, nên Cục CSGT đường bộ - đường sắt giao Công an tỉnh Long An làm trung tâm tiếp nhận, xử lý các vụ việc xảy ra trên đường này.

Trả lời câu hỏi vì sao CSGT TP Hà Nội từng truy tìm và xử phạt một cô gái điều khiển xe máy bằng chân thông qua hình ảnh bạn đọc cung cấp, trong khi đó Long An không xử phạt hành vi quay đầu xe và chạy ngược chiều của tài xế Hải (cũng từ hình ảnh của người dân cung cấp), ông Hùng nói nếu Cục CSGT đường bộ - đường sắt Bộ Công an và các cơ quan chức năng có văn bản pháp quy hướng dẫn cụ thể thì các địa phương sẽ dễ thực hiện. Còn bây giờ chỉ căn cứ vào quy định hiện hành để xử lý.

Đề cập vụ việc này, ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi quy định hình ảnh ghi được từ phương tiện, thiết bị nghiệp vụ của cơ quan chức năng sẽ được sử dụng làm bằng chứng để xác minh hành vi vi phạm.

Đó là bằng chứng ghi lại bằng hình ảnh từ thiết bị của CSGT và thanh tra giao thông, gần đây nữa là có hệ thống camera giám sát giao thông trên một số tuyến đường. Pháp luật chưa công nhận bằng chứng ngoài hình ảnh khác như hình ảnh người dân tự quay, chụp.

Tuy nhiên, ông Thuấn cho rằng các bằng chứng của người dân cung cấp cho cơ quan quản lý giao thông cũng có tác dụng. Dù hình ảnh này chưa làm bằng chứng xác minh hành vi vi phạm để xử phạt nhưng có tác dụng để các lực lượng chức năng quan tâm, đưa người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm vào nhóm có nguy cơ vi phạm thường xuyên.

Ông Thuấn còn nói việc sửa đổi một số nội dung của nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa đề cập đến việc sử dụng hình ảnh do người dân cung cấp làm cơ sở xử phạt. “Việc sửa đổi nếu có phải thực hiện ở pháp lệnh xử phạt hành chính, vì nội dung này quy định trong pháp lệnh” - ông Thuấn nói.

Theo ông Thuấn, việc sử dụng hình ảnh của các cơ quan chức năng để xử phạt đang ở giai đoạn thử nghiệm trên một số tuyến đường và dần hoàn thiện. “Việc xử phạt bằng hình ảnh là mới nên cần nghiên cứu thêm để có đánh giá, phân tích.

Bây giờ chưa nên vội sửa đổi pháp lệnh hay nghị định để sử dụng ngay hình ảnh vi phạm của người dân cung cấp để xử phạt. Thông tin, bằng chứng từ người dân có thể sử dụng trong tố giác hành vi vi phạm. Nếu quy định sử dụng hình ảnh của người dân cung cấp làm bằng chứng xác định hành vi vi phạm thì với điều kiện công nghệ hiện nay có nguy cơ bị tạo dựng, cắt ghép với mục đích xấu” - ông Thuấn e ngại.

Người dân: Áp dụng luật quá cứng nhắc

Ngày 13-5, hàng trăm bạn đọc đã gửi thư bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách xử phạt xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc của CSGT Long An. Chúng tôi  xin lược thuật một số ý kiến:

l Hành vi chạy ngược chiều trên đường cao tốc là hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông với mức độ thiệt hại rất cao, không phạt hành vi này mà chỉ phạt hành vi chạy quá tốc độ là không ổn. Tiếc cho những người dân đã tích cực quay video, lên tiếng bài trừ cái xấu. Đừng để khi tai nạn thảm khốc xảy ra mới thành lập đoàn này đoàn nọ hỗ trợ, khắc phục.(Quang)

* Theo tôi, chứng cứ của người dân cung cấp rất quan trọng để phục vụ công tác điều tra xác minh các hành vi vi phạm. Người cung cấp thông tin có địa chỉ rõ ràng, họ chịu trách nhiệm với pháp luật. Trong trường hợp này, chỉ cần nghiệp vụ nhỏ là CSGT có thể buộc tài xế thừa nhận các hành vi sai phạm như chạy ngược chiều hoặc quay đầu xe sai quy định.(Đ.H.)

* Công an Long An áp dụng luật quá máy móc, cứng nhắc. Tôi thử hỏi: khi người dân phát hiện một tên tội phạm lẻn vào nhà mình và bị camera ghi lại hình ảnh thì hình ảnh này không có giá trị hay sao? Trong trường hợp chạy xe ngược chiều trên đường cũng vậy, công an cần dựa vào đoạn phim do người dân cung cấp để điều tra, xử lý người vi phạm một cách nghiêm túc. Tôi thất vọng quá, lúc chưa tìm ra xe vi phạm thì phát biểu nghe hùng hồn lắm, giờ tìm ra rồi mà sao cứ như... súng hết đạn. (Lương Đình Hải)

* Tại các hội thảo bàn về giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, chúng ta thường thấy nhiều người đưa ra lý do không đủ nhân lực, phương tiện để tuần tra, xử phạt... Trong tình hình như vậy, CSGT lại càng phải dựa vào chứng cứ do người dân cung cấp để phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm. Trong cuộc sống, nếu không có sự hỗ trợ từ chứng cứ của người dân thì ngành chức năng khó có thể đưa ra ánh sáng những vụ án phức tạp. Đối với việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông chắc chắn cũng không ngoại lệ, nhất là khi tình hình tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để kéo giảm.(Bùi Sơn)

Theo TUẤN PHÙNG - NGỌC HẬU (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm