Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 27-5. Tham dự cuộc họp báo này còn có lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhưng lại không thấy có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ GTVT, trong khi vấn đề Vinalines lại là vấn đề được báo chí hỏi nhiều nhất.
Mua ụ nổi trái chỉ đạo của Thủ tướng
. Vụ mua ụ nổi của Vinalines, trách nhiệm của các cơ quan thanh kiểm tra đến đâu, nhất là Cục Đăng kiểm Việt Nam?
+ Ông Vũ Đức Đam: Việt Nam là một quốc gia biển nên việc phát triển ngành công nghiệp vận tải biển rất quan trọng. Việc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong việc mua ụ nổi của Vinalines là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư. Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đã thi hành biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với các bị can liên quan.
Chủ trương của Chính phủ là xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Ngay khi được cơ quan công an báo cáo, Thủ tướng đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu tiến hành xử lý nghiêm. Tới đây, trách nhiệm liên quan đến ai sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đúng quy trình. Ảnh: THÀNH VĂN
. Trong quá trình điều tra phát hiện ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐTV Vinalines, có nhiều sai phạm nhưng tại sao không có biện pháp để ngăn chặn việc ông này bỏ trốn?
+ Khi được cơ quan công an báo cáo thì Chính phủ đã có chỉ đạo áp dụng biện pháp ngăn chặn đặc biệt rồi.
Không có quy định cấm luân chuyển khi đang bị thanh tra
. Việc bổ nhiệm ông Dũng - Chủ tịch HĐTV Vinalines (đơn vị đang được thanh tra) sang làm cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có đúng quy trình không?
+ Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng thẩm quyền. Ngay sau khi dư luận lên tiếng, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại tất cả quy trình và thấy việc này đúng quy trình. Tại thời điểm Bộ GTVT có văn bản đề nghị ông Dũng thôi giữ chức chủ tịch HĐTV Vinalines vào tháng 12-2011 và sau đó Bộ Nội vụ thẩm định vào tháng 1-2012 đều trước thời điểm Thanh tra Chính phủ có dự thảo kết luận thanh tra sai phạm tại Vinalines. Từ khi lập hồ sơ đến khi báo cáo về việc bổ nhiệm đều chưa có báo cáo về sai phạm của ông Dũng.
Tôi cũng nói thêm rằng chưa có quy định nào nói rằng khi một đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang bị thanh tra thì không được luân chuyển cán bộ. Luật Thanh tra quy định thanh tra nhằm phát hiện những sơ hở để phòng ngừa tiêu cực. Việc thanh tra hằng năm là bình thường. Việc này chắc chắn Bộ GTVT sẽ có ý kiến chính thức tới báo chí.
Xem xét việc “rót” 100.000 tỉ đồng cho Vinalines
. Khi tái cơ cấu Vinashin đã chuyển một số đơn vị, đội tàu sang cho Vinalines. Khi ấy có tính đến việc Vinalines đang làm gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ?
+ Sai phạm liên quan đến ụ nổi diễn ra từ năm 2007 nhưng đến năm 2010 mới chuyển một số đơn vị từ Vinashin sang Vinalines. Khi đó Vinashin không còn ban lãnh đạo, nếu không chuyển nguyên trạng một số đơn vị của mình sang Vinalines thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu việc chuyển giao phải trên tinh thần cùng ngành nghề kinh doanh và đảm bảo hai nguyên tắc: Thứ nhất là hài hòa lợi ích của DN, không làm ảnh hưởng đến DN chuyển đi và nơi nhận; thứ hai là tất cả các DN đều được xử lý, hạch toán riêng không bao trùm lên nhau.
Đến giờ phút này các DN chuyển từ Vinashin sang Vinalines vẫn được hạch toán riêng. Riêng Vinalines khi chưa nhận DN của Vinashin sang thì năm 2009 cũng đã lỗ 400 tỉ đồng, năm 2010 lỗ trên 1.200 tỉ đồng, năm 2011 lỗ trên 2.600 tỉ đồng và vẫn rất rõ các lỗ nào của Vinalines, lỗ nào của Vinashin và đều được báo cáo riêng.
. Vinalines sai phạm như thế, Chính phủ có xem xét lại đề án hiện đại hóa ngành giao thông vận tải, trong đó rót thêm cho Vinalines đến 100.000 tỉ đồng để hiện đại hóa đội tàu không?
+ Việt Nam là quốc gia biển nên phải phát triển ngành kinh tế biển. Vì thế đề án của Bộ GTVT trình là theo chủ trương phát triển biển. Tới đây, đề án đó sẽ tiếp tục được các bộ, ngành, DN, báo chí góp ý. Cuối cùng sẽ được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và có lộ trình thực hiện cụ thể.
Bộ GTVT giải thích chống chế Sáng 24-5, trả lời báo chí bên lề QH về trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM - TS Trần Du Lịch nói. Bộ GTVT lấy ngày thanh tra kết luận chính thức với ngày bổ nhiệm mà bảo rằng Bộ bổ nhiệm trước khi có kết luận của thanh tra là một sự chống chế không thuyết phục. “Tôi cho rằng bộ trưởng Bộ GTVT phải có giải trình trước QH về vụ việc Vinalines cũng như việc bổ nhiệm cục trưởng Cục Hàng hải. Tôi tin là nhiều đại biểu QH sẽ chất vấn việc này” - ông Lịch nói. |
THÀNH VĂN ghi