Viễn cảnh Ukraine nã vũ khí tầm xa vào đất Nga và kịch bản đáp trả của Moscow

(PLO)- Việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây đánh vào đất Nga sẽ đẩy cục diện xung đột Nga-Ukraine vào giai đoạn mới và giới lãnh đạo ở Moscow đang tính toán phương án ứng phó kịch bản này.

Ngày 19-11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã phóng 6 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh Bryansk (Nga), một số trong tên lửa đã bị đánh chặn, theo đài RT.

Thông tin về vụ tấn công được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ ngày 17-11 đưa tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Moscow đã có những phát ngôn vô cùng gay gắt - dấu hiệu khiến giới quan sát lo ngại nguy cơ xung đột sẽ leo thang.

Cảnh báo đanh thép từ Nga

Dù chính quyền Mỹ chưa xác nhận thông tin nhưng giới lãnh đạo và quan chức Nga những ngày qua liên tục đưa ra những cảnh báo rắn.

Ngày 17-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nếu thông tin về việc Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa đánh sang Nga được xác nhận và Ukraine thực sự hành động theo đó, điều này sẽ “tạo ra một vòng xoáy leo thang căng thẳng hoàn toàn mới và là một tình huống hoàn toàn khác biệt về mức độ can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột này”.

Theo ông Peskov, quan điểm của Moscow về vấn đề này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ vào đầu năm nay rằng Ukraine không thể thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa nếu không có sự đóng góp trực tiếp của tình báo và chuyên môn quân sự phương Tây.

“Các cuộc tấn công như vậy sẽ có nghĩa là các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trong tình trạng chiến tranh với Nga” - đài RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin.

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Nga ngày 18-11 cũng ra tuyên bố cảnh báo tới Mỹ và các đồng minh phương Tây rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với sự “tham gia trực tiếp” của phương Tây vào cuộc xung đột.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng Mỹ chưa xác nhận thông tin trên, nhưng cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào như vậy sẽ “thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột”.

“Việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nghĩa là Mỹ và các vệ tinh trực tiếp tham gia vào các hành động thù địch chống lại Nga. Trong trường hợp này, phản ứng của Nga sẽ là tương xứng và rõ ràng” - bà Zakharova nói.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 18-11, đánh dấu 1.000 ngày xung đột Nga-Ukraine, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cảnh báo rằng chính quyền ông Biden đang cấp “quyền tự sát” cho Ukraine bằng vũ khí tầm xa.

Ngoài ra, ông Nebenzia chỉ trích Anh, Pháp sau thông tin hai nước này cũng cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa đánh sang Nga. Theo vị đại sứ, Moscow “kinh ngạc” khi các nhà lãnh đạo Anh và Pháp “háo hức lợi dụng chính quyền sắp mãn nhiệm [ở Mỹ] và đang kéo không chỉ quốc gia của họ mà cả toàn bộ châu Âu vào cuộc leo thang quy mô lớn với hậu quả thảm khốc”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 18-11 nói rằng hiện có hơn 11.000 binh sĩ Triều Tiên tham gia vào các hoạt động chiến đấu của Nga ở tỉnh Kursk, tăng so với con số hơn 10.000 được báo cáo vào tuần trước. Nga chưa lên tiếng về thông tin này.

Nguy cơ đẩy xung đột Nga-Ukraine vào giai đoạn mới

Không chỉ là những lời cảnh báo, giới lãnh đạo Nga còn vạch ra kế hoạch ứng phó trường hợp vũ khí tầm xa phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga.

(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTER/TASS/AFP

Ngày 18-11, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) - ông Vyacheslav Volodin cảnh báo về khả năng Moscow triển khai các hệ thống vũ khí mới, chưa từng sử dụng ở chiến trường Ukraine nếu Kiev mạo hiểm tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của Mỹ, theo hãng thông tấn TASS.

“Về thông tin ông Biden quyết định cho phép Ukraine tấn công vào đất nước chúng tôi bằng tên lửa Mỹ, nếu điều này xảy ra, Nga sẽ đáp trả” - ông Volodin cảnh báo.

Nhà lập pháp này lưu ý rằng cách thức đáp trả sẽ do Bộ Quốc phòng Nga quyết định nhưng “chắc chắn sẽ phải đáp trả”. “Không loại trừ khả năng sử dụng các hệ thống vũ khí mới, vốn chưa từng được sử dụng ở Ukraine. Chúng tôi hiểu rằng Mỹ có thể thực hiện bước tiếp theo. Và chúng tôi chắc chắn sẽ đáp trả. Đây chính là ‘leo thang’” - ông Volodin tuyên bố.

Cùng ngày, ông Andrey Kartapolov - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga nói rằng phương án tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự ở Ukraine, bao gồm các sân bay và kho vũ khí, có thể ngăn chặn việc Kiev phóng tên lửa chiến thuật vào lãnh thổ Nga.

“Chúng ta cần đưa ra kết luận và tiếp tục tấn công các sân bay để khiến việc sử dụng máy bay trở nên bất khả thi. Nếu máy bay không thể cất cánh, thì sẽ không có tên lửa phóng từ trên không nào được sử dụng” - ông Kartapolov nhấn mạnh.

Ông Kartapolov cũng khẳng định rằng hệ thống phòng không của Nga “có khả năng đánh chặn mọi mục tiêu trên không hiện nay”. “Đối với tên lửa hành trình và đạn đạo, chúng tôi đã đánh chặn chúng nhiều lần, vì vậy sẽ không có gì mới. Chỉ là tầm bắn tăng lên, nhưng đặc điểm đạn đạo và các đặc điểm khác sẽ vẫn giữ nguyên. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh chặn theo cách chúng tôi vẫn làm” - ông Kartapolov nói thêm.

Trao đổi với đài Sky News về phản ứng tiềm tàng của Nga nếu nước này bị tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây, cựu trợ lý của Tổng thống Putin - ông Sergey Markov nói rằng Moscow sẽ xem kịch bản như vậy là sự tham gia trực tiếp của Mỹ và phương Tây vào cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Markov lập lại quan điểm của phía Nga rằng quân đội Ukraine không thể vận hành các tên lửa tầm xa như ATACMS hay SCALP (Storm Shadow) mà không có sự hỗ trợ của quân đội phương Tây. “Trong trường hợp này, quân đội của Mỹ và phương Tây trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. Máy bay trinh sát hay các vệ tinh của Anh, Mỹ sẽ có thể bị Nga tấn công” - ông Markov nói thêm.

Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng Nga có thể cung cấp vũ khí tầm xa hơn cho những nước khác để tấn công các mục tiêu phương Tây nếu NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của các đồng minh để tấn công lãnh thổ Nga. “Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể cung cấp những loại vũ khí như vậy cho một vùng chiến sự để tấn công vào lãnh thổ của chúng tôi, thì tại sao chúng tôi lại không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại cho các khu vực khác trên thế giới, những nơi sẽ diễn ra các cuộc tấn công vào những cơ sở nhạy cảm của các quốc gia phương Tây đó?” - ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga cũng tái khẳng định rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền của mình bị đe dọa.

Nhiều đồng minh NATO lên tiếng thông tin về vũ khí tầm xa

Trong ngày 18-11, Thủ tướng Anh Keir Starmer từ chối “đi vào chi tiết” về việc liệu Anh có cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do London cung cấp tấn công lãnh thổ Nga. Ông Starmer chỉ nói rằng London nhận thấy cần phải “tăng gấp đôi” sự hỗ trợ dành cho Ukraine để đảm bảo Kiev “có những gì cần thiết trong thời gian cần thiết”.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhắc lại lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 5 rằng Điện Elysee đang cân nhắc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP do Paris cung cấp tấn công lãnh thổ Nga.

Về phía Đức, hôm 18-11, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius nói rằng thông tin Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp tấn công lãnh thổ Nga “không làm thay đổi đánh giá hiện tại” của Berlin về khả năng đưa ra quyết định tương tự.

Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gọi thông tin về việc Mỹ cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa đánh sang Nga là “một thời điểm rất quan trọng, thậm chí có thể là bước đột phá” trong cuộc chiến, theo đài CNN.

“Quyết định này cho Nga thấy rằng không chỉ Ukraine, mà cả các nước phương Tây, Mỹ, những nước ủng hộ Ukraine, đều không từ bỏ, không rút lui” - ông Duda nói.

Ngoại trưởng Estonia - ông Margus Tsahkna cho rằng việc nới lỏng các hạn chế đối với Ukraine là “một điều tốt”.

“Chúng tôi đã nói như vậy ngay từ đầu rằng không được áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với hỗ trợ quân sự. Chúng ta cần hiểu rằng tình hình chiến trường hiện tại nghiêm trọng hơn so với cách đây vài tháng” - ông Tsahkna nói với các nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia - ông Robert Fico mô tả quyết định về vũ khí tầm xa là “sự leo thang chưa từng có” và sẽ kéo dài cuộc chiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới