Viện kiểm sát luận tội vụ Alibaba và 23 bị cáo

(PLO)- Theo VKS, những lô đất mà các khách hàng đã ký với Công ty Alibaba để mua sẽ không bao giờ có vì tất cả dự án đều không đủ điều kiện để mở bán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng 22 bị cáo bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Đổi tên, sáp nhập dự án để lôi kéo khách hàng

Đại diện VKS trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Trong đó, Nguyễn Thái Luyện bị cáo buộc là chủ mưu và bị VKS đề nghị mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, với vai trò là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Alibaba, Luyện là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc do bị cáo này lập ra.

Nguyễn Thái Luyện bị cáo buộc là chủ mưu và bị VKS đề nghị phạt tù chung thân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nguyễn Thái Luyện bị cáo buộc là chủ mưu và bị VKS đề nghị phạt tù chung thân.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Sau khi thành lập các công ty, Luyện chọn người thân hoặc nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận.

Sau khi mua đất, các cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp sẽ lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do chính Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ dự án không có thật, tự đưa ra các kích thước phân lô, tách thửa trái quy định.

Kết quả xác minh tại cơ quan chức năng các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, các địa phương này đều xác định Công ty Alibaba và các công ty liên quan chưa doanh nghiệp nào làm thủ tục xin phép đầu tư ở tất cả 58 dự án theo quy định pháp luật. Ngoài ra, kết quả xác minh cho thấy toàn bộ 22 công ty trong hệ thống của Alibaba không phát sinh doanh thu độc lập, không kê khai thuế mà chỉ nộp lệ phí môn bài.

VKS cũng nhìn nhận trong tất cả bị cáo thì Luyện là người có kiến thức pháp luật hơn cả. Điều này thể hiện ở việc trong suốt quá trình phiên tòa diễn ra, bị cáo đã viện dẫn các quy định trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 43 để biện minh cho mình.

Từ việc có kiến thức về pháp luật cộng thêm có kinh nghiệm làm bất động sản lâu năm nên bị cáo là người biết, buộc phải biết những quy định tối thiểu để thực hiện dự án phân lô, bán nền. Bị cáo cho rằng chỉ đạo các nhân viên lập dự án theo đúng quy định là không có cơ sở để chấp nhận.

Ngoài ra, VKS cũng cáo buộc trong vụ án này Luyện đã dùng những thủ đoạn rất tinh vi như khi ký hợp đồng với khách hàng, đến hạn mà không có đất, không có giấy chứng nhận giao thì Công ty Alibaba sẽ trả lãi hoặc thu mua lại với độ chênh lệch cao hoặc chào mời khách hàng mua đất tại dự án khác với nhiều ưu đãi.

Đối với những dự án không bán được hoặc còn tồn đọng, Luyện đã chỉ đạo cấp dưới đổi tên dự án hoặc thực hiện sáp nhập vào dự án khác để tiếp tục quảng cáo, chào mời lôi kéo khách hàng.

“Bị cáo Luyện đã tận dụng triệt để sự nhiệt huyết, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của những người còn rất trẻ (có bị cáo sinh năm 1998) để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, những lô đất mà các khách hàng đã ký với Công ty Alibaba để mua sẽ không bao giờ có vì tất cả dự án đều không đủ điều kiện để mở bán” - VKS trình bày.

Bằng những hành vi, thủ đoạn nêu trên, Luyện cùng đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 bị hại. Do đó, về phần trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Luyện và bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) phải có trách nhiệm liên đới trả cho các bị hại số tiền nêu trên.

Về phần trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Luyện và vợ phải có trách nhiệm liên đới trả cho các bị hại số tiền hơn 2.400 tỉ đồng.

Luật sư đề nghị đổi tội danh

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Luyện cho rằng thân chủ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị xem xét chuyển tội danh sang tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai được quy định tại Điều 228 BLHS.

Theo luật sư, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ý thức chiếm đoạt tài sản phải xuất hiện trước tiên và sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, trước khi nhận tiền của khách hàng, bị cáo đã lập hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng. Nội dung thỏa thuận trong hợp đồng được hai bên ký kết là ý chí tự nguyện. Ngoài ra cũng có rất nhiều bị hại đã được trả tiền lời theo đúng như cam kết.

Quá trình chỉ đạo các cá nhân đứng tên và nhận chuyển nhượng đất, bị cáo Luyện đều xem xét cẩn thận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng địa phương, từng vị trí, từng phần đất theo quy hoạch đã công bố. Đây chính là điều kiện cần thiết ban đầu để các cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng tiến hành các thủ tục hành chính tiếp theo.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Luyện vẫn một mực kêu oan, cho rằng không lừa đảo. “Tôi có hỏi bên cơ quan điều tra lý do vì sao khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ hôm đầu làm việc và được trả lời là do có đơn tố giác của khách hàng. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa một lần được xem các đơn tố giác này. Trong quá trình xét hỏi, nhiều bị hại cũng đã nói họ không tố giác mà chỉ là tường trình. Tất cả mọi thứ tôi đều làm công khai và tư vấn rõ ràng cho khách hàng” - bị cáo Luyện nói.

Luyện cũng cho biết nhiều khách hàng mua đất đã được sang tên trên giấy chứng nhận, bên cạnh đó toàn bộ dòng tiền mà khách hàng đóng vào là để chi trả lương, chi phí và tập trung mua đất phát triển các dự án. Do đó, bị cáo cho rằng không chiếm đoạt số tiền của khách hàng.

Nói về tâm huyết khi mở Công ty Alibaba, Luyện cho biết đến hôm nay, sau ba năm khi xảy ra sự cố, công ty đã thất thoát rất nhiều. Mục đích của việc thành lập công ty là giúp khách hàng mua được những lô đất nền ở các vùng ven TP.HCM với giá rẻ, giúp các bạn trẻ có công ăn việc làm để nuôi bản thân và gia đình.

Đồng thời, định hướng phát triển Công ty Alibaba mà Luyện đặt ra là trong năm năm sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Đối với hai người em của Luyện là bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực, khi tự bào chữa cho mình đều cho biết không có kiến thức về bất động sản cũng như pháp lý của các dự án và hoàn toàn tin tưởng, nghe theo lời anh trai.

Mức án VKS đề nghị

Trong quá trình bào chữa, các luật sư cho rằng vụ án này, hầu hết bị cáo đều thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Luyện, vai trò giúp sức là mờ nhạt nhưng bị VKS đề nghị mức án rất nặng.

Cụ thể, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị mức án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị mức án 12-20 năm tù.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) mỗi người bị đề nghị 30 năm tù cho hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Thấp nhất là bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng bị đề nghị 5-6 năm tù về tội rửa tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm