Việt Nam có khoảng 25.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh mỗi năm

Sáng 22-9, Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM) đã khai trương 3 đơn vị gồm Khoa Di truyền Y học, Khoa Nhũ và Đơn vị tiền mãn kinh, mãn kinh.

Trong đó, Khoa Di Truyền Y Học có tiền thân là Tổ Di truyền được thành lập từ năm 2009 trực thuộc khoa Giải phẫu bệnh – Tế bào – Di truyền có nhiệm vụ sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, qua đó tư vấn can thiệp sớm các trường hợp bất thường từ trong bào thai và sơ sinh.  

Một khâu xét nghiệm chẩn đoán di truyền trong Khoa Di truyền Y học của Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: HL

BS Nguyễn Vạn Thông, Trưởng Khoa Di truyền Y học, cho biết theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em mới được sinh ra. Đáng lưu ý, mỗi năm có khoảng 25.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trong đó có 1.400-1.800 trẻ bị mắc bệnh down, khoảng 250-250 trẻ mắc hội chứng Edwards, có 1.000-1.500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 300-400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh...

Đặc biệt, có khoảng 15.000-30.000 trẻ bị thiếu men G6PD (một dạng rối loạn trao đổi chất di truyền), 100 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, khoảng 2.200 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh.

Từ năm 2000, Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em đã thí điểm việc tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh, sơ sinh và xây dựng thành đề án triển khai ở cấp quốc gia. Đến năm 2013, đề án được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố.

“Sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh là cách tiếp cận đúng hướng, thiết thực, đem lại các kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng giống nòi. Việc này giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng” -  BS Thông chia sẻ.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương kỳ vọng sự thành lập của 3 đơn vị sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số. BS Tuyết dẫn chứng nhiều cặp vợ chồng mang gen bất thường Thalassemia gây bệnh tan máu bẩm sinh có thể được tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm để chẩn đoán giữ hay hủy phôi có khả năng mắc bệnh.  

Khoa Nhũ Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận mọi bệnh lý ở nhũ hoa. Ảnh: HL

Tiếp đó, hiểu mong muốn và nhu cầu chăm sóc nhũ hoa ở phụ nữ, BV phát triển Khoa Nhũ nhằm phát hiện các bệnh lý ở nhũ hoa, tầm soát ung thư vú một cách có hệ thống, giúp giảm nguy cơ ung thư vú (một trong những loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam).

Cuối cùng, theo BS Tuyết, tuổi thọ người Việt Nam ngày càng tăng (hiện là 76 tuổi), trong khi đó giai đoạn tiền mãn kinh đã bắt đầu từ tuổi 40. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, ở phụ nữ sẽ xuất hiện nhiều rối loạn ảnh hưởng đến tim mạch, loãng xương, rối loạn trầm cảm cần phải can thiệp điều trị.

Đến với đơn vị tư vấn mãn kinh, tiền mãn kinh, chị em phụ nữ sẽ được khám sàng lọc, điều trị toàn diện về tâm lý, dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số hình ảnh khác của 3 đơn vị mới tại Bệnh viện Hùng Vương: 

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trao quyết định thành lập cho các Khoa và đơn vị mới. 

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và các đại biểu cắt băng khánh thành Khoa Nhũ Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: HL

Phòng chụp và đọc kết quả X-quang hiện đại tại Khoa Nhũ. 

Khoa Nhũ Bệnh viện Hùng Vương đầu tư các phòng bệnh cao cấp cho người bệnh nội trú. Ảnh: Phòng tiếp khách của một phòng bệnh nội trú. 

Khoa Di truyền Y học  Bệnh viện Hùng Vương trang bị những thiết bị hiện đại. 

Một khâu xét nghiệm để chẩn đoán di truyền trong Khoa Di truyền Y học Bệnh viện Hùng Vương. 

Một khâu xét nghiệm để chẩn đoán di truyền trong Khoa Di truyền Y học Bệnh viện Hùng Vương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm