Đây là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, tại chương trình hợp tác chuỗi cung cấp thịt heo sạch, an toàn và truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam giữa Công ty TNHH De Heus, Công ty Fresh Studio Innovations Asia, Công ty CP Thực phẩm Công nghệ Vinh Anh và Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội ngày 18-11.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho biết với chuỗi liên kết này, mỗi công đoạn từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, điều kiện chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ. Các trại heo phải đạt Viet-Gap hoặc Global-Gap, đặc biệt là việc áp dụng bộ tiêu chuẩn TRACEPIG, sẽ hướng dẫn các bên tham gia tuân theo một quy trình chuẩn. Đảm bảo heo, thịt heo không bị nhiễm hóa chất và vi sinh... “Do đó, chỉ cần điện thoại thông minh là người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc thịt heo từ trang trại cho đến bàn ăn” - ông Gabor nhấn mạnh.
Ngoài ra, người chăn nuôi được lợi ích là nâng cao năng suất trại, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí giá thành.
Theo ông Dương, với thực trạng ATVSTP hiện nay, việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết giữa bốn bên như trên là cần thiết. Trước hết cung cấp cho người dân trong nước nguồn thực phẩm sạch, tiếp đó sẽ đẩy mạnh xuất sang các nước.
Cùng ý kiến trên, ông Gabor Fluit cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển nhanh, áp dụng nhiều công nghệ Mỹ, châu Âu, Nhật, HQ… Tuy nhiên khâu quan trọng là an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cần quan tâm hơn.
Cũng theo ông Gabor Fluit, không chỉ thịt mà trứng, cá, trái cây… khi người tiêu dùng tin tưởng chất lượng, chắc chắn Việt Nam không sợ sản phẩm các nước vào nhiều. Muốn làm được việc này các bên liên quan phải quyết tâm.
“Ngành chăn nuôi heo đang giữ vai trò chủ đạo, chiếm 60%-65% về cơ cấu. Đàn heo Việt Nam đứng thứ tư thế giới với 28,3 triệu con/năm, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Brazil… Nếu các công ty nào làm chủ được chăn nuôi heo sẽ làm chủ ngành chăn nuôi” - ông Dương chia sẻ.