Việt Nam là một nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền cao

(PLO)- Bà Nguyễn Thị Sánh (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam) cho rằng Việt Nam là một nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở top cao.

Hôm nay (9-8), Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức phối hợp tổ chức buổi hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ban chủ tọa hội thảo. Ảnh: YC

Hội thảo nhằm giúp các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà sáng tạo, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật. Đồng thời, thảo luận về cách thức triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Sánh (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam), cho rằng hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là sao chép tác phẩm tự do đang diễn ra một cách công khai ở nước ta, đã trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay. Không chỉ các cơ quan chức năng đau đầu mà các tổ chức thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một nước có tỷ lệ xâm phạm bản quyền ở top cao.

Bà Nguyễn Thị Sánh (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Theo bà Sánh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như thói quen “dùng chùa” các công trình sáng tạo của người khác; tùy tiện lấy các bài viết, công trình nghiên cứu trong các tuyển tập, toàn tập để làm các tập sách chuyên đề riêng mà không được phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc. Nhiều học sinh, sinh viên đều lấy việc photocopy làm phương tiện tích hợp tài liệu để làm bài. Thanh thiếu niên dùng điện thoại máy tính downloads chia sẻ thông tin trên mạng xã hội...

"Tình trạng này không chỉ xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của tác giả mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về ý thức, trách nhiệm đối với sản phẩm trí tuệ của nhân loại...", bà Sánh nêu.

PGS.TS Đào Duy Quát (nguyên Phó ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) thì cho rằng trong sự sáng tạo, mỗi “gói sáng tạo’ sẽ được ghi thành một tác phẩm và đồng thời biến người sáng tạo thành tác giả. Người sáng tạo đương nhiên trở thành chủ sở hữu của tác phẩm. Từ phổ thông gọi là bản quyền. Và “của ai” người đó đương nhiên được quyền sao chép theo mục đích riêng, và đương nhiên được quyền cấm người khác sao chép.

Nạn "xài chùa", sao chép... diễn ra thường xuyên

Tại hội thảo, bà Lê Thị Minh Hằng (Giám đốc Trung tâm Pháp luật và Tác quyền) cho rằng Việt Nam là một trong 10 quốc gia vi phạm bản quyền lớn nhất trên thế giới. Nạn "xài chùa", sao chép, đánh cắp tác phẩm, ý tưởng... diễn ra thường xuyên.

Theo bà Hằng, vi phạm bản quyền sao chép một phần hoặc toàn phần tác phẩm mà không xin phép, không thanh toán tiền bản quyền, không nằm trong trường hợp miễn trừ trách nhiệm theo luật. Vi phạm, sao chép bản quyền diễn ra dưới muôn hình vạn trạng và ngày càng có những cách thức tinh vi.

Theo bà Hằng, tại Việt Nam, theo thống kê từ thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ 2014 - 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức và 3 cá nhân, với số tiền gần 12,9 tỉ đồng. Các vi phạm chủ yếu trong quyền phân phối tác phẩm, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, hành vi xâm phạm quyền đứng tên tác phẩm.

Bà Hằng cũng nêu các khó khăn và đề ra các giải pháp, trong đó có thể uỷ quyền bảo vệ quyền sao chép...

Hội thảo cũng diễn ra việc ký kết đối tác chiến lược giữa Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam với Hội Nhiếp ảnh TPHCM và Viện Triết học Phát triển.

Hội thảo cũng giới thiệu một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4-2023 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan)... Cạnh đó, các đại biểu, các chuyên gia thảo luận, trao đổi ý kiến cũng như hỏi và đáp về các vấn đề liên quan.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới