Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên và hiện đang là nghiên cứu viên tại Trường Luật Harvard (Mỹ) về những cơ sở pháp lý và lịch sử cho thấy Trung Quốc đã vi phạm như thế nào khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Kỳ 1: Cần hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan trái phép
Có thể bác khước 2 luận cứ của Trung Quốc
- Thế còn khả năng về vụ kiện thứ hai thế nào, thưa ông?
- Trong khả năng về vụ kiện thứ hai, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Luật Biển theo thủ tục bắt buộc trong UNCLOS. Ở Tòa án này, Việt Nam có thể bác khước cơ sở pháp lý mà Trung Quốc vin vào để bao biện cho vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Cụ thể là bác khước cả hai luận cứ của họ về khoảng cách từ đảo Hải Nam (của Trung Quốc) tới giàn khoan chỉ có 180 dặm, tức vẫn nằm trong khu vực 200 hải lý đặc quyền kinh tế và bác khước về tư cách đảo của các mỏm đất/đá ở Hoàng Sa.
Tại Tòa án Trọng tài Luật Biển, Trung Quốc không thể dùng quyền bảo lưu khi ký Công ước. Ngoài ra, chúng ta có thể biện luận theo luật là vị trí giàn khoan ở trong Thềm lục địa nới rộng của Việt Nam, và hơn nữa, ở hẳn sang phía Việt Nam nếu cần phải thương lượng theo Công ước để tìm ra một đường trung tuyến (median line) giữa hai Thềm lục địa.
Trước Tòa án Trọng tài Luật Biển, mục đích quan trọng nhất là xin một bản án giải thích và áp dụng Công ước về vấn đề không có mỏm đá, đất nào ở Hoàng Sa, kể cả Phú Lâm, xứng đáng là đảo mà người ở trên đó trong một nền kinh tế tự túc, trong trạng thái thiên nhiên trước khi Trung Quốc chiếm hữu rồi xây các tòa nhà ở được, sân bay, cảng để tiếp tế cùng nhà máy lọc nước ngọt.
Tiến sĩ Tạ Văn Tài. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tạo dư luận quốc tế có lợi cho Việt Nam
- Ngoài các hành động pháp lý, Việt Nam có thể dựa vào những cơ sở nào khác?
- Công ước luôn đòi hỏi các bên thương lượng và cả hòa giải nữa trước khi buộc phải áp dụng các thủ tục bắt buộc. Vì thế các cuộc thương lượng ngoại giao song phương, đa phương cần phải được diễn ra. Nếu thương nghị song phương mà bá quyền lấn át, thì phải dùng thương lượng đa phương qua ASEAN, thậm chí ra ngoài khu vực. Giải pháp ngoại giao đa phương được hy vọng có thể làm chùn bớt các hành vi sai trái của Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng ta có thể dựa vào cơ chế các tổ chức quốc tế toàn cầu, không chỉ coi đây là diễn đàn để tố cáo các hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông trước dư luận quốc tế mà có thể đi đến những Nghị quyết để kiềm chế hành động của Trung Quốc.
Chúng ta cũng nên đưa vấn đề ra Đại hội đồng LHQ, thậm chí cả Hội đồng Bảo an. Một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ sẽ tạo áp lực công luận quốc tế, có thể làm chùn bước Trung Quốc. Còn ở Hội đồng Bảo an, trước khi đưa ra quyết định có thể vấp phải phiếu phủ quyết của Trung Quốc, mà khả năng này là chắc chắn, nhưng Việt Nam vẫn cần đưa ra, vì đó là thủ tục có thể làm bất cứ khi nào khi có đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế. Sự thực là Trung Quốc đem tàu chiến đe dọa và dùng nhiều biện pháp mạnh như đâm, va, phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Những việc này theo tôi sẽ tạo dư luận quốc tế có lợi cho Việt Nam.
- Vậy giải pháp tránh dùng vũ lực mà kêu gọi đàm phán, thương lượng ngoại giao với Trung Quốc của Việt Nam để xử lý vấn đề giàn khoan thì sao, thưa ông?
- Tiến sĩ Bâu-ơ thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Oa-sinh-tơn đã bình luận cho rằng, Việt Nam cương quyết ngăn cản hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông. Việt Nam cũng lệnh cho các tàu hải giám của mình tiến gần đến giàn khoan, tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam, nhưng nếu tàu Trung Quốc ép quá thì lui ra xa, chứ không dùng bạo lực đáp trả để tránh gây ra các hành động có thể làm leo thang xung đột. Tiến sĩ Bâu-ơ đã cho rằng: “Đây là đối sách tối ưu vào lúc này”.
MỸ HẠNH (thực hiện)
Theo QĐND