Việt Nam quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU

(PLO)- Chiều 28-11, Bộ NN&PTNT đã họp trực tuyến với đoàn thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU của Việt Nam.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), cho biết để chuẩn bị đón, làm việc với đoàn thanh tra lần thứ năm của EC, đầu tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương liên quan để chỉ đạo rõ về việc này.

Trong công điện, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo nguồn lực, kinh phí, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, chuẩn bị nội dung và điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với đoàn thanh tra EC.

Lực lượng biên phòng Trà Vinh xuống tận tàu cá để tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật khi đánh bắt hải sản. Ảnh: CHÂU ANH

Chuẩn bị làm việc với EC về IUU

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18-11, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về các nội dung chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EC về IUU.

Theo Bộ NN&PTNT, sau bảy năm chống khai thác IUU và qua bốn đợt thanh tra của EC, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả cụ thể, được phía EC ghi nhận.

Về khung pháp lý, Việt Nam đã có Luật Thủy sản năm 2017, có tám thông tư, một thông tư sửa đổi, đã ban hành Nghị định 37/2024 và Nghị định 38/2024 sửa đổi Nghị định 42/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có Nghị định 26/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 06/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2018 để xử lý dứt điểm đối với tàu cá “ba không”.

Đặc biệt, tháng 6-2024, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 04/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch, chiến lược, chương trình, đề án và kế hoạch tổ chức thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết hồ sơ xuất khẩu thủy sản của chúng ta sang châu Âu cơ bản đáp ứng được yêu cầu, với cả sản phẩm khai thác trong nước cũng như nhập khẩu.

Tính đến tháng 9, chúng ta đã xét xử và truy tố 11 vụ hình sự, tạo sự nghiêm minh và răn đe đối với các đối tượng cố tình vi phạm, đưa người đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hơn nữa, đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, hiện nay đã thực hiện được trên 70 cảng cá, đây là một điểm nhấn đáng chú ý.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, chúng ta vẫn còn những tồn tại nhất định về xử lý tàu cá “ba không”, vi phạm quy định về lắp đặt và quản lý, vận hành thiết bị giám sát tàu cá, về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chống khai thác IUU là một bước để chúng ta tiến tới phát triển nghề cá bền vững. “Tôi khẳng định việc thực hiện khuyến cáo của EU đã được chúng ta cải thiện rất nhiều. Điều này đã được đoàn thanh tra của EU ghi nhận” - Bộ trưởng Hoan khẳng định.

“Trong ba tháng trở lại đây, số lượng vi phạm khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài giảm rất đáng kể.”

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư

Cần sự chung tay của bà con ngư dân

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, đánh giá thời điểm này rất quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024. Vì vậy, các ngành, các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo thẻ vàng.

“Trong ba tháng trở lại đây, khi thực hiện Nghị định 38 cũng như Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND, số lượng vi phạm khai thác bất hợp pháp, đặc biệt vi phạm khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài giảm rất đáng kể” - ông Hùng chia sẻ.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cũng khuyến cáo bà con ngư dân cần có ý thức hơn để tuân thủ quy định pháp luật, xác định việc chống khai thác IUU mang lại lợi ích, giá trị trực tiếp cho bà con ngư dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Hùng đề nghị bà con ngư dân đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước để giảm thiểu tối đa hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững và duy trì sinh kế bền vững cho bà con ngư dân trong tương lai.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới