Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) - bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật, Na Uy và Đan Mạch - ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP).
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 45 năm quan hệ EU và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Brussels (Bỉ).
JETP sẽ giúp Việt Nam đạt nhiều mục tiêu
Thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) chụp ảnh cùng các quan chức cấp cao EU tại Brussels (Bỉ) ngày 14-12. Ảnh: VGP |
Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam. Đóng góp ban đầu này bao gồm khoản cam kết 7,75 tỉ USD từ IPG, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và khoản đối ứng 7,75 tỉ USD từ nhóm tổ chức tài chính tư nhân do Liên minh Tài chính Glasgow về Cân bằng phát thải CO2 (GFANZ) điều phối.
JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới, gồm: (1) Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 xuống còn từ năm 2030; (2) Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện (từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2) và đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm; (3) Giới hạn công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW (theo kế hoạch hiện tại) xuống còn mức 30.2GW; (4) Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện đến năm 2030.
Theo đó, khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm từ giờ đến năm 2035 nếu các mục tiêu này được thực hiện thành công.
Trong 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc cùng các nước đối tác để xây dựng Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thực triển khai chiến lược và tài trợ của JETP.
Việt Nam là quốc gia thứ 3 triển khai JETP, sau thành công của JETP cho Nam Phi tại COP26 và JETP cho Indonesia tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, và cùng với JETP, Việt Nam sẽ chứng minh rằng phát triển kinh tế không đi đôi với sử dụng năng lượng hóa thạch.
JETP Việt Nam được xây dựng trên sáng kiến Đối tác vì Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu (PGII) của G7 (do Anh khởi xướng) nhằm thu hẹp khoảng trống đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch diễn ra công bằng - thứ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn đảm bảo một tương lai thịnh vượng và đủ sức chống chịu cho người dân, cũng như giảm các tác động của ô nhiễm, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra công ăn việc làm.
Điều quan trọng là toàn thể xã hội cần tham gia vào mọi giai đoạn của quá trình chuyển dịch xanh và không để một ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Nhận định về chương trình JETP, Thủ tướng Anh - ông Rishi Sunak cho biết đây là một quân cờ thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Các lãnh đạo EU cùng các đối tác ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN ở Brussels (Bỉ) ngày 14-12. Ảnh: AP |
“Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, năng động ở trung tâm Đông Nam Á. Khoản đầu tư mà chúng ta đang thực hiện ngày hôm nay sẽ giúp Việt Nam có thể cắt giảm lượng phát thải mà vẫn đồng thời tạo ra được việc làm và tăng trưởng mới. Cùng nhau, chúng ta sẽ mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho Việt Nam và hành tinh của chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Các nhà lãnh phương Tây, gồm Mỹ, Canada, EU, Pháp, Đức, Na Uy, cũng như Nhật, Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng ca ngợi sự tham gia của Việt Nam vào JETP và cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam hành động hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn và thúc đẩy an ninh năng lượng.
“Với thỏa thuận này, Việt Nam đang đi đầu trong việc xây dựng một mô hình hợp tác mới nhằm đạt được việc chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm thông qua năng lượng tái tạo. Các cam kết đối tác này là một công cụ quan trọng để giảm phát thải trong thập kỷ 2020 mà thế giới chúng ta đang cần” - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói.
“Chúng ta cần chung tay để thực hiện việc chuyển dịch năng lượng mang tính toàn cầu, công bằng, bao trùm và hợp lý. LHQ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các cam kết này và tất cả các nỗ lực hợp tác khác” - ông nói thêm.