Vinacomin xin giảm phí môi trường: Khó chấp nhận!

“Việc chủ đầu tư dự án khai thác bauxite đề nghị giảm phí môi trường là tiêu cực. Nếu giảm thì nguồn chi phí xử lý, giải quyết câu chuyện môi trường bị thiếu hụt ai sẽ chịu trách nhiệm?” - chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) đề nghị xin giảm 10 lần phí môi trường.

Như chúng tôi đã thông tin hôm 29-7, Vinacomin đã đề nghị Bộ Tài chính cho giảm mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án bauxite. Cụ thể, Vinacomin đề xuất giảm mức phí các dự án bauxite còn 4.000-5.000 đồng/tấn, thay vì mức đang nộp là 30.000-50.000 đồng/tấn.

Thông qua là quá ưu ái

Theo TS Doanh, việc các doanh nghiệp xin giảm phí môi trường thì Nhà nước sẽ lấy khoản tiền nào bù vào để giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường do dự án gây ra. Trong khi hiện nay ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ở mức báo động, hệ quả ô nhiễm môi trường do nhiều dự án để lại cho xã hội vô cùng lớn. “Việc doanh nghiệp xin giảm phí môi trường là khó chấp nhận. Cạnh đó, việc xin ưu đãi này nếu được chấp thuận còn khiến các đơn vị khác đòi hỏi giảm các loại thuế, phí theo. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu và phản ứng dây chuyền theo hướng tiêu cực” - TS Doanh cảnh báo.

TS Doanh đề nghị các cơ quan quản lý nên xem lại hiệu quả kinh tế của các dự án bauxite. Bởi lẽ đến nay dự án bauxite vẫn chưa đem lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế như chủ đầu tư đã cam kết. Trong khi chủ đầu tư liên tiếp xin ưu đãi về thuế, phí, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng…

Vinacomin nói rằng mức độ gây ô nhiễm khi khai thác bauxite là thấp nên đề nghị giảm phí môi trường xuống 10 lần. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin), nhận định việc Vinacomin đề nghị giảm phí môi trường cũng như các loại thuế khác là xuất phát từ tình hình khó khăn về kinh tế của dự án. Đây là dự án tiềm ẩn rủi ro lớn, bằng chứng là chủ đầu tư liên tục xin các ưu đãi. Thông thường khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, lỗ vốn sẽ tìm mọi cách để xin giảm thuế, phí. Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì mức phí 40.000-50.000 đồng/tấn không là gì cả. “Đây là kiến nghị nhằm đem lại lợi ích cho chủ đầu tư. Nếu được thông qua sẽ là quá ưu ái cho Vinacomin trong bối cảnh có thể dự án này sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế như dự tính ban đầu” - ông Ban nói.

Liên tục xin ưu đãi vì khó khăn?

Thực tế, việc Vinacomin xin nhiều ưu đãi là không mới. Trước đây, đơn vị này liên tục xin có những ưu đãi riêng cho các dự án bauxite. Trước các đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động khai thác bauxite có đặc thù so với các khoáng sản khác vì đây không phải là… khoáng sản độc hại (?!). Cụ thể, đất khai thác bauxite sau 3-4 năm sẽ được hoàn thổ. Đất này sẽ được cải thiện tốt hơn để giao lại cho người dân trồng trọt. Quá trình khai thác quặng bauxite tương tự khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình khác. Vì vậy, quy định mức phí bảo vệ môi trường tại Nghị định 74/2011 30.000-50.000 đồng/tấn là không hợp lý và gần bằng giá thành khai thác một tấn bauxit nguyên khai. Trong khi đó, phí môi trường khai thác than chỉ bằng 1% giá thành khai thác. Do vậy, Bộ Công Thương ủng hộ mức phí môi trường với khai thác quặng bauxite như đề xuất của Vinacomin.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ban cho rằng ô nhiễm môi trường ở các dự án khai thác bauxite cực kỳ lớn. Việc chỉ đánh phí môi trường ngang bằng với các khoáng sản khác đã là quá ưu ái cho chủ đầu tư. Do đó các đề xuất của Vinacomin cần có hội đồng thẩm định đánh giá một cách tổng thể toàn diện. Vì vậy, ông Ban đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét kỹ càng, khách quan những đề xuất của Vinacomin. Việc chủ đầu tư đề xuất giảm thuế, phí nằm trong bài toán giảm chi phí đầu tư cho dự án. Điều này cần được lấy ý kiến của chính quyền và người dân địa phương, sự tham gia phản biện, nghiên cứu của các chuyên gia…

Nói khai thác bauxite ít ô nhiễm là vô lý

Nói khai thác bauxite ít tổn hại đến môi trường là không thuyết phục, thậm chí vô lý. Quặng alumin nằm trong lớp đất mặt nên khi khai thác với diện tích rộng lớn, việc hoàn thổ - trả lại hiện trạng như ban đầu sẽ rất khó. Theo đó, lớp đất mặt sau khi khai thác rất dễ bị suy thoái, bạc màu, khó dùng cho các hoạt động trồng trọt sau này. Việc khai thác bauxite còn tốn rất nhiều nước nên nếu dùng nước ngầm hay nước mặt thì cũng gây ra những tổn hại lớn cho môi trường. Nghiêm trọng nhất đó là chuyện xử lý bùn đỏ. Nó giống như quả bom nổ chậm, luôn tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại môi trường. Vì thế mà ở Úc cũng như nhiều quốc gia khác họ không thực hiện các dự án khai thác bauxite vì nhận thấy việc gây suy thoái môi trường, phá hủy hệ sinh thái… là không thể tránh khỏi.

Còn về phí bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng như các nước khác đều nhằm mục đích tạo ra nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả về môi trường do dự án gây ra - xét ở nhiều phương diện như phân tích ở trên, chứ không chỉ ở khâu đào đất lấy quặng. Do đó, nếu giảm phí bảo vệ môi trường xuống thấp đến chục lần là bất hợp lý. Khoáng sản là tài sản quốc gia, chúng ta đào lên đem bán mà cũng chịu lỗ thì khai thác làm gì!?

GS-TS LÊ HUY BÁ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học
Công nghệ và Quản lý môi trường

KHANG BÁCHghi

Dự án đóng góp ngân sách năm 2013 là 93 tỉ đồng. Ước tính sau khi dự án khai thác bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) vận hành ổn định sẽ nộp thuế, phí cho ngân sách khoảng 430 tỉ đồng/năm, doanh thu của dự án dự kiến sẽ đạt trên 4.000 tỉ đồng/năm.

Dù vậy, hiện Vinacomin đang được ưu đãi ít nhất năm loại thuế. Cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu miễn thuế nhập khẩu cho linh kiện, vật tư nhập khẩu lắp đặt đồng bộ với thiết bị tại dự án alumin Tân Rai ước khoảng 100 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới