Chủ dự án bauxite lại xin giảm 10 lần phí môi trường

Theo đó, tại một cuộc họp do Bộ TN&MT tổ chức mới đây, Vinacomin đã đề nghị Bộ Tài chính cho giảm 10 lần mức thu phí bảo vệ môi trường đang áp dụng cho các dự án bauxite. Cụ thể, Vinacomin đề xuất giảm mức phí bảo vệ môi trường với các dự án bauxite còn 4.000 đến 5.000 đồng/tấn so với mức phải nộp hiện nay là từ 30.000 đến 50.000 đồng/tấn.

Vị lãnh đạo trên cho biết việc xử lý, khai thác bauxite tương đối đơn giản, chỉ cần gạt hoặc xúc lớp đất phủ mỏng ở phía trên sang bên cạnh, xúc quặng đi, sau đó hoàn thổ tại chỗ bằng đất thổ nhưỡng. Quặng bauxite và đất phủ có độ cứng ít, không phải khoan nổ mìn khi khai thác. Việc này giống như khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình. Vì vậy, mức độ gây ô nhiễm trong quá trình khai thác là rất thấp.

Ngoài ra theo Vinacomin, việc phát thải bùn đỏ không xảy ra ở khâu khai thác mà ở khâu chế biến sau khai thác. “Dự án bauxite đã phải đầu tư rất lớn cho việc quản lý, vận hành và xử lý bùn đỏ. Trong khi đó, phí môi trường đang áp dụng cho các dự án bauxite cao hơn so với các nước, không phù hợp với mức độ ô nhiễm của bauxite. Việc giảm phí môi trường cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào bauxite nhiều hơn và phát triển ngành công nghiệp nhôm” - vị này lập luận.

Đại diện Vinacomin cũng cho biết đây không phải lần đầu tập đoàn này đề xuất mức giảm này. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính vẫn chưa đồng ý đề xuất của Vinacomin.

Theo thống kê, hiện chủ đầu tư dự án bauxite đang được ưu đãi ít nhất năm loại thuế, như việc miễn, giảm tiền thuế đất; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cố định; miễn thuế nhập khẩu chất trợ lắng cho sản xuất trong năm năm; giảm thuế nhập khẩu xút lỏng từ 20% xuống chỉ còn 3% và miễn thuế xuất khẩu alumin, ưu đãi thuế thu nhập DN. Cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan miễn thuế nhập khẩu cho linh kiện, vật tư nhập khẩu lắp đặt đồng bộ với thiết bị tại dự án alumin Tân Rai. Với các khoản miễn, giảm nêu trên, ước tính chủ đầu tư sẽ không phải đóng khoảng 100 tỉ đồng tiền thuế.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia khoáng sản - TS Nguyễn Thành Sơn đã nhấn mạnh Vinacomin luôn luôn tìm cách đưa ra các lý do xin ưu đãi dù đây cũng là DN như bao DN khác tham gia khai thác tài nguyên. “Tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước giao nó cho các DN khai khoáng gần như cho không. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm của Vinacomin không hề có khoản mục “nguyên liệu chính” (như các ngành sản xuất vật chất khác, thường chiếm ít nhất 30% giá thành). Nguyên liệu chính để làm ra alumin là quặng bauxite được giao không mất tiền mua” - TS Sơn nói.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm