Theo dịch tễ, bé gái là cháu ngoại của bệnh nhân PTB - người bị lây nhiễm từ nữ công nhân NTD. Nữ công nhân này trở về từ TP Vũ Hán, dương tính với virus Corona và được xuất viện vào chiều 10-2 vừa qua.
Ca bệnh F3 đầu tiên
Ngày 28-1, bé gái được mẹ đưa đến nhà bà ngoại chơi tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và ở lại bốn ngày.
Sau khi xác định bà PTB dương tính với nCoV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân, trong đó có hai mẹ con bé gái.
Ngày 6-2, y tế cơ sở phát hiện cháu có biểu hiện ho và chảy nước mũi, không rõ sốt. Ngay sau đó, cháu được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm. Kết quả xác định cháu dương tính với nCoV.
Hiện tại, bé gái cùng mẹ đang được cách ly tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (Bình Xuyên), cơ sở khám chữa bệnh tạm thời của BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng sức khỏe ổn định. Trong đó, mẹ bé đang được theo dõi chặt chẽ, chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Như vậy, không chỉ về số lượng, ca nhiễm thứ 15 cho thấy tình hình dịch bệnh nCoV tại Vĩnh Phúc đang có diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đây là bệnh nhân đầu tiên được xác định dương tính với nCoV khi độ tuổi còn rất nhỏ. Ca bệnh cũng đánh dấu việc nCoV bắt đầu lây sang thế hệ F3. Tức là nữ công nhân NTD trở về từ Vũ Hán lây nhiễm cho bà ngoại cháu, sau đó cháu tiếp tục bị lây nhiễm từ bà ngoại.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thông qua ca thứ 15 này, mô hình đường lây, tính chất lây cũng như vấn đề dịch tễ của nCoV lại có thêm những thông tin mới.
Đến nay, Việt Nam đã có đủ loại hình người bị nhiễm, từ người cao tuổi có nhiều bệnh nền, bệnh nhân nam, nữ, trung tuổi và cả bệnh nhi.
Ngoài ra, hai ca bệnh trước đó đến từ Vĩnh Phúc cũng cho thấy những dấu hiệu khó lường của nCoV. Trong đó, ca thứ 13 dù không có biểu hiện bệnh nhưng khi xét nghiệm vẫn dương tính với nCoV, điều này khiến cộng đồng rất khó nhận biết để phòng tránh.
Còn với ca thứ 14, dịch tễ cho thấy bệnh nhân là hàng xóm của nữ công nhân NTD. Dù bà chỉ sang nhà D. chúc tết trong một thời gian ngắn nhưng cũng bị dính nCoV.
Một chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Người dân khi đi qua sẽ được kiểm tra thân nhiệt, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch. Ảnh: ĐOẢN ĐÌNH
Lập hàng loạt chốt kiểm dịch
Tới thời điểm hiện tại, Vĩnh Phúc đã ghi nhận 10 ca dương tính với nCoV, trong đó ba ca đã được xuất viện. Các bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương Cơ sở 2, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Phòng khám đa khoa Quang Hà và Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo.
Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 50 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly, giám sát; gần 250 trường hợp có liên quan, tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính với nCoV.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Vĩnh Phúc đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống nCoV.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh việc thực hiện kiểm soát 100% các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Cùng đó, UBND tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp Phòng khám đa khoa Quang Hà để đáp ứng tình hình dịch bệnh. |
Điển hình, tỉnh đã thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường; trưng dụng Trường Quân sự tỉnh làm khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh với sức chứa 500 người; thành lập bốn đoàn kiểm tra do các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng, chống dịch...
Tại Bình Xuyên, nơi có nhiều ca dương tính nCoV nhất Vĩnh Phúc, UBND huyện mới đây có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lập chốt kiểm soát nCoV tại nhiều xã, thị trấn. Theo đó, các chốt sẽ có cán bộ trực 24/24 giờ, có barie và đường dây nóng, người dân khi qua chốt sẽ được kiểm tra thân nhiệt và tuyên truyền cách phòng, chống dịch, cung cấp khẩu trang miễn phí.
Đến nay, toàn huyện đã lập tám chốt kiểm dịch tại các ngả đường ở vùng có người bị nhiễm, nguy cơ lây nhiễm, gồm một chốt của huyện và bảy chốt của các xã Sơn Lôi, Thiện Kế, thị trấn Gia Khánh…
Lãnh đạo UBND huyện Bình Xuyên cho biết động thái này nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, các hoạt động khác của người dân địa phương.
Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ Đối với ca bệnh thứ 15 là bé gái ba tháng tuổi, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng về phương pháp điều trị khi cháu còn quá nhỏ. Về vấn đề này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho hay khi xây dựng phác đồ điều trị nCoV, hội đồng chuyên môn quốc gia đã có các giáo sư đầu ngành chuyên ngành nhi. Ông Khuê khẳng định hoàn toàn tin tưởng vào khả năng y tế của Vĩnh Phúc, đồng thời cho biết Bộ Y tế sẽ điều động những đội cơ động, phản ứng nhanh hỗ trợ địa phương trong thực hiện chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhi này. “Các bác sĩ của BV Nhi trung ương cũng được điều động, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết” - ông Khuê nói. Ngoài ra, nhiều ca nhiễm nCoV tại Vĩnh Phúc được điều trị tại cơ sở y tế địa phương thay vì chuyển hết lên BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Giải thích điều này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định đây là quan điểm trong điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo đó, bệnh xảy ra ở khu vực nào thì địa phương đó sẽ tiến hành cách ly, điều trị, bởi quá trình di chuyển rất dễ lây lan bệnh ra cộng đồng. Chỉ trừ trường hợp bệnh nhân vượt khả năng điều trị của cơ sở thì mới vận chuyển đưa lên tuyến trên. Hơn thế, dù điều trị tại cơ sở thì bệnh nhân vẫn tuân theo phác đồ của Bộ Y tế, đảm bảo việc cách ly, khoanh vùng tại khu vực. Bộ Y tế cũng đã cử một đoàn công tác của BV Bạch Mai về hỗ trợ chuyên môn tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. HÀ PHƯỢNG - TUYẾN PHAN |