Sáng 4-2, Hong Kong thông báo có ca tử vong đầu tiên do bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra. Bệnh nhân là nam giới, 39 tuổi, đến TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc - TQ) - tâm dịch ngày 21-1 và trở về hai ngày sau đó, xuất hiện triệu chứng vào ngày 31-1. Đây là ca tử vong thứ hai bên ngoài TQ đại lục, sau một trường hợp ở Philippines được phát hiện hôm 2-2.
Tính đến tối 4-2, tổng cộng có 427 ca tử vong vì dịch Corona, trong đó phần lớn vẫn là TQ đại lục với 425 ca. Số ca nhiễm tại TQ tính đến tối 4-2 là 20.476. Số ca nhiễm tại các nước (25 nước khắp năm châu lục) cũng liên tục tăng, lên mức gần 200 ca, nâng số ca nhiễm trên toàn cầu lên 20.676.
Dịch đã có thể tránh được?
Trong một bài viết cho tờ China Daily cùng ngày, hai nhà báo Xie Bing và Wen Zongduo nhận định chủng 2019-nCoV mới là “mối nguy chưa từng có, kẻ thù nguy hiểm nhất của toàn nhân loại”. So sánh với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003, virus Corona bộc lộ khả năng thích ứng cao và mức độ lây lan vượt trội cùng khả năng gây tử vong hàng đầu khi đến nay đã có 427 người chết. Ngoài ra, không giống những đợt bùng nổ đại dịch trước đây, 2019-nCoV nguy hiểm hơn khi ngụy trang dưới triệu chứng cúm khiến nhiều người nhầm lẫn với cúm thông thường, dẫn đến sai lầm trong điều trị.
Cũng theo hai nhà báo trên, việc virus Corona lan rộng như hiện tại nhiều khả năng đã có thể tránh được nếu như quan chức TQ không mắc phải một số sai lầm về nghiệp vụ cùng sự “ru ngủ” của chính quyền địa phương về nguy cơ lây lan. Theo hai nhà báo này, dịch Corona thực chất đã xuất hiện từ sớm hơn nhưng mãi đến cuối tháng 12-2019 mới được công bố.
Hai nhà báo thừa nhận dịch Corona đã “phơi bày những hạn chế của chúng ta trong cuộc chiến kéo dài chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ngay cả khi thế giới đã đạt được bước tiến dài trong nền y học hiện đại”.
Tờ The New York Times chỉ ra chính sự ưu tiên đảm bảo trật tự xã hội thay vì nhanh chóng công bố thông tin và tìm giải pháp của Bắc Kinh đã đẩy sự việc đến mức độ như hiện tại. Giới quan sát nhận xét sự do dự của chính giới TQ một phần cũng vì họ chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thường niên trong tháng 1-2020.
Thiếu nữ mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc và đeo khẩu trang ngừa nhiễm virus Corona thăm cung điện Gyeongbokgung ở Seoul ngày 3-2. Ảnh: AFP
Trung Quốc thừa nhận “có sai sót”
Những luận điểm trên phần nào cũng đã xuất hiện trong phiên làm việc ngày 3-2 của các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì với nội dung về công tác phòng, chống dịch Corona.
Theo Tân Hoa xã, sau khi nghe báo cáo của các địa phương về tình hình dịch bệnh, Ban Thường vụ thừa nhận đã xảy ra “sai sót” trong giai đoạn đầu ứng phó và khẳng định sẽ rút kinh nghiệm, cải cách hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia. Từ “sai sót” được nhắc đến bốn lần trong hội nghị.
400 quan chức TQ đã bị sa thải hoặc kỷ luật hàng loạt hôm 3-2 vì xử lý không tốt dịch Corona, tờ The Nikkei đưa tin. Phần lớn số quan chức này thuộc TP Hoàng Cương (tỉnh Hồ Bắc), khu vực xếp thứ hai sau Vũ Hán về số người bị lây nhiễm. |
Đề ra phương án sắp tới, ông Tập đặc biệt nhấn mạnh nhiều lần rằng các ban ngành, cơ sở địa phương cần “nhất mực phục tùng lãnh đạo thống nhất, phối hợp thống nhất, điều phối thống nhất” theo chỉ đạo Trung ương Đảng Cộng sản TQ.
Ông Tập cảnh báo: “Các quan chức làm việc thiếu trách nhiệm, không thực chất có thể bị truy cứu trách nhiệm. Cấp trên của những người này và lên trên nữa cũng có thể bị truy cứu nếu có tình tiết nghiêm trọng. Những quan chức không làm tròn chức trách chắc chắn sẽ bị trừng trị theo kỷ luật và pháp luật”.
Theo China Daily, “TQ đang là niềm hy vọng lớn lao khi là bức hàng rào phòng thủ tránh cho thế giới phải gánh chịu những gì mà người dân ở đây đang trải qua”. Về viễn cảnh dập dịch, tờ báo này lạc quan “với vị thế là một cường quốc mới nổi, TQ nhận thức được trách nhiệm quốc tế của mình” và biết mình sẽ phải nỗ lực thế nào.
Ngày 4-2, đài CGTN (TQ) cho hay Bộ Ngoại giao TQ cho biết nước này ghi nhận Mỹ đã nhiều lần chủ động đề nghị được giúp đỡ TQ đẩy lùi dịch Corona, đồng thời cho biết kỳ vọng Mỹ gửi hỗ trợ càng sớm càng tốt. Về phía Mỹ, nước này xác nhận Bắc Kinh đã cho phép các chuyên gia Mỹ tiếp cận tâm dịch Vũ Hán để thực hiện các công tác phòng, chống virus. Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng và bệnh hô hấp Quốc gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) - bà Nancy Messonnier khẳng định việc Mỹ tham gia hỗ trợ sẽ có lợi vì CDC có các nhà khoa học cực kỳ giỏi với nhiều kinh nghiệm về các dịch bệnh tương tự. Những diễn biến trên xảy ra sau khi TQ ngày 3-2 chỉ trích những động thái thiếu thân thiện từ phía Mỹ, bao gồm lệnh cấm du lịch đối với du khách TQ, đồng thời cáo buộc Mỹ không giúp đỡ TQ mà còn “gieo rắc sự sợ hãi”. |