Ngày 6-10, Hãng hàng không VNA thông báo kết quả sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2017. Theo đó, VNA đã thực hiện gần 108.000 chuyến bay an toàn với chỉ số đúng giờ (OTP) của các chuyến bay đi đạt 90,8%, tăng 6,7 điểm so với cùng kỳ, vượt 2,8 điểm so với mục tiêu.
Hãng vận chuyển hơn 16 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ. Trên đường bay trục giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, sản lượng vận chuyển toàn tổng công ty trong 9 tháng đầu năm đạt 6,8 triệu lượt khách, trong đó quý III thị phần đường trục đạt 72%.
Cùng với kết quả khai thác trên, doanh thu hợp nhất toàn VNA đạt hơn 65.000 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 2.310 tỉ đồng, vượt hơn 40% so với kế hoạch cả năm 2017, tính riêng quý III lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.300 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 4.300 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hãng cũng cho biết tỉ lệ khách tự làm thủ tục trực tuyến qua web/mobile hoặc tại kiosk check-in ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng đều đạt ở mức cao (Tân Sơn Nhất: 42%, Nội Bài: 38%, Đà Nẵng: 33%), tăng mạnh so với cùng kỳ và qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chỉ số đúng giờ của hãng cũng như giảm áp lực cho nhân lực và hạ tầng cho các sân bay.
Tỉ lệ khách VNA tự làm thủ tục trực tuyến qua web/mobile hoặc tại kiosk check-in ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng đều đạt ở mức cao
Trao đổi về kế hoạch sắp tới, đại diện VNA cho biết quý IV-2017, tổng công ty tổ chức triển khai phương án tăng vốn điều lệ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu; hoàn thành kế hoạch phát triển đội bay giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Bên cạnh đó, hãng sẽ tiếp tục thực hiện công tác điều hành sản phẩm hiệu quả, rà soát điều chỉnh tải theo sát diễn biến thị trường, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, duy trì và đảm bảo khai thác an toàn tuyệt đối, duy trì chất lượng dịch vụ và ưu tiên phục vụ tốt cho hoạt động đi lại của các đại biểu và quan khách tới dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tháng 11 tại Đà Nẵng.
Mới đây, VNA cũng đã chính thức đưa vào khai thác thiết bị mô phỏng buồng lái cho dòng máy bay A320/321 (SIM A320/321) thứ hai tại Trung tâm huấn luyện của hãng nhằm nội địa hoá toàn bộ công tác huấn luyện chuyển loại phi công cho dòng máy bay Airbus A321.