VPF không được khai thác thương quyền truyền hình

Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành ngày 15-2 đã ký kết luận thanh tra khẳng định việc ký kết hợp đồng giữa LĐBĐ VN (VFF) và AVG thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận.

VFF sở hữu bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp là đúng

Ngày 4-1, Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên từng gửi công văn cho Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT&DL, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng bản quyền truyền hình mà LĐBĐ VN đã ký với AVG vào cuối năm 2010.

Theo đó, VPF căn cứ vào Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN về việc giao quyền quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho VPF. Vì thế, VPF nhận thấy cần phải xem xét lại tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình với nội dung LĐBĐ VN cho phép AVG độc quyền khai thác bản quyền truyền hình tất cả các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ VH-TT&DL, sau hơn một tháng xin ý kiến của các cơ quan chức năng, đã công bố các kết luận về những thắc mắc của VPF. Đối với việc đề nghị xem xét lại bản hợp đồng truyền hình, Thanh tra Bộ VH-TT&DL kết luận: LĐBĐ VN chưa ký hợp đồng giao quyền khai thác thương quyền cho VPF nên về mặt pháp lý, VPF chưa được pháp luật công nhận là đơn vị khai thác thương quyền.

VPF không được khai thác thương quyền truyền hình ảnh 1

Thanh tra Bộ VH-TT&DL công bố kết luận về hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình giữa LĐBĐ VN và AVG. Ảnh: PV

Bộ Tư pháp khẳng định LĐBĐ VN sở hữu bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp là đúng, dựa trên khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006: “Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức”.

Liên quan đến vấn đề thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp. Đoàn thanh tra còn căn cứ vào các quy định pháp luật gồm khoản 1 Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 14 Điều 4 của Điều lệ LĐBĐ VN.

VFF đã thực hiện đầy đủ các quy định

Về việc ký hợp đồng chuyển giao thương quyền bóng đá giữa LĐBĐ VN với AVG, VPF cho rằng LĐBĐ VN chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho LĐBĐ VN đại diện các CLB đàm phán? Thanh tra Bộ VH-TT&DL giải thích: LĐBĐ VN có quyền sở hữu đối với thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do mình tổ chức và cũng đã thực hiện đầy đủ các trình tự luật định khi tiến hành ký kết hợp đồng với AVG: Xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL, thông qua Ban Chấp hành LĐBĐ VN và đại hội.

VPF nhận định vào thời điểm ký hợp đồng (ngày 8-12-2010), AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã tham khảo ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Quy định pháp luật về báo chí không giới hạn chỉ có các cơ quan có giấy phép hoạt động báo chí mới được phép mua, bán, chuyển nhượng bản quyền các chương trình truyền hình, bao gồm cả các chương trình thể thao”. Vì thế, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giai đoạn 2011-2030 của LĐBĐ VN với AVG không phụ thuộc vào giấy phép hoạt động truyền hình.

Thanh tra Bộ VH-TT&DL còn dẫn chứng Điều 75 Điều lệ LĐBĐ VN quy định: LĐBĐ VN là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do LĐBĐ VN tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.

Thời hạn hợp đồng 20 năm là không trái pháp luật

Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp về thời hạn hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình, Thanh tra Bộ VH-TT&DL kết luận: Các quy định của pháp luật của Việt Nam về dân sự, thương mại không có quy định giới hạn về thời hạn của hợp đồng. Do đó, căn cứ vào nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 4 và Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa LĐBĐ VN với AVG là không trái pháp luật.

Kết luận của Thanh tra còn dẫn chứng một chi tiết: “Từ khi hợp đồng được thực hiện, thời lượng phát sóng trực tiếp các trận bóng đá năm 2011 tăng từ 148 trận (năm 2010) lên 345 trận. Người hâm mộ đang có lợi, vì có nhiều sự lựa chọn xem truyền hình trực tiếp các trận thi đấu bóng đá trong nước, trên kênh truyền hình quảng bá hoặc kênh truyền hình có thu tiền”.

Về việc VPF cho rằng LĐBĐ VN không tuân thủ Luật Đấu thầu khi chỉ làm việc với mỗi AVG mà không ưu tiên mời thầu đài quốc gia VTV, Thanh tra Bộ VH-TT&DL kết luận: Việc ký kết hợp đồng giữa VFF và AVG là hợp pháp, vì theo Điều 1 Luật Đấu thầu thì chỉ khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn của Nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của VFF mới thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Đấu thầu.

Về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của AVG, Thanh tra kết luận nội dung mã ngành của AVG được Sở Khoa học và Đầu tư Khánh Hòa cấp là không trái với các quy định, trong đó có chi tiết: “Mua bán, nhận chuyển nhượng bản quyền các công trình khoa học - kỹ thuật, sự kiện trong các lĩnh vực giải trí, thể thao, văn hóa-xã hội, ca nhạc”.

- Theo nhận xét của Thanh tra, năm 2011, các bên đã thực hiện tốt hợp đồng, góp phần phổ biến hình ảnh các giải bóng đá trong nước đến nhiều người hâm mộ hơn. Điều này cũng giúp LĐBĐ VN nâng cao giá trị của các giải bóng đá trong nước. Tuy nhiên, có một số nội dung chưa phù hợp (phần nội dung khác của hợp đồng nêu trên) nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại của hợp đồng.

- LĐBĐ VN yêu cầu VPF, các CLB, các ban tổ chức địa phương thực hiện nghiêm túc hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG. LĐBĐ VN có văn bản đề nghị các đài truyền hình tôn trọng hợp đồng mà LĐBĐ VN đã ký với AVG.

- Kiến nghị Tổng cục TDTT tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo Sở VH-TT&DL các địa phương có đội bóng tham gia và có văn bản đề nghị các đài truyền hình, đảm bảo hiệu lực của hợp đồng giữa LĐBĐ VN và AVG.

THANH THANH - NGỌC ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm