Vụ án 'thửa đất biến mất': Cần hủy án và chuyển lên tòa tỉnh xử sơ thẩm

(PLO)- Trong vụ 'thửa đất biến mất', tòa bác yêu cầu của nguyên đơn nhưng trên thực tế nguyên đơn vẫn nắm sổ đỏ trong tay; do đó cần làm rõ để hủy giấy chứng nhận đã được cấp không đúng pháp luật.

Như PLO đưa tin, TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) vừa bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Hồng, 68 tuổi, ngụ phường 2, TP Cà Mau.

Phía nguyên đơn đưa ra được giấy tờ chứng minh về nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp. Phía bị đơn cho rằng thửa đất tranh chấp là mua từ công ty phát triển nhà, và từ những người khác, cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tòa bác yêu cầu đòi đất đồng nghĩa với việc thửa đất gần 600 m2, được Nhà nước cấp sổ đỏ của bà Hồng xem như... biến mất.

Hiện bà Hồng đã kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.

Gần 600 m2 đất đã có giấy đỏ nhưng "không xác định được vị trí"

Theo hồ sơ, bà Hồng có thửa đất 4.426,5 m2 ở phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) năm 2002. Năm 2004, Nhà nước thu hồi của bà 3.827,6 m2 để làm dự án Khu dân cư phường Tân Xuyên bây giờ. Bà còn lại 598,9 m2, phần diện tích còn lại này được cập nhật trên giấy CNQSDĐ của bà Hồng tại thời điểm thu hồi.

Thửa đất tranh chấp bà Hồng xác định nằm ngay sau đất nhà bị đơn nhưng tòa sơ thẩm nhận định bà Hồng không xác định được vị trí đất của mình. Ảnh: TRẦN VŨ

Năm 2020, bà Hồng phát hiện phía bị đơn xây tường rào toàn bộ phần diện tích 598,9 m2 nên đã đến gặp trực tiếp và nhận được câu trả lời, đất được họ (bị đơn) nhận chuyển nhượng từ nhiều người khác.

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, bà Hồng khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất ra TAND TP Cà Mau.

Quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn cho rằng, năm 2015, họ nhận chuyển nhượng từ công ty phát triển nhà. Từ năm 2019-2020, bị đơn nhận chuyển nhượng thêm từ các hộ giáp ranh phía sau nhà là các ông bà: Trần Chí Cường, Huỳnh Thị Thu Thủy và Trần Thu Hồng.

Bản án sơ thẩm kết luận bà Hồng có đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không xác định được vị trí.

HĐXX nhận định, bà Hồng mua đất từ ông Kim Văn Dung năm 2002 là chỉ mua trên giấy tờ để khi bị thu hồi nhận tiền bồi thường và nhận suất tái định cư. Bà không quản lý sử dụng nên không biết vị trí đất của mình nằm ở đâu. Trong khi phía bị đơn chứng minh được thửa đất tranh chấp là mua từ 3 người, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bị đơn sử dụng ổn định từ 2020 đến nay.

Bản án sơ thẩm gây tranh cãi

Tại phiên sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị ngừng phiên tòa để làm rõ vị trí 3 thửa đất mà phía bị đơn khai đã mua của 3 người khác nhau có đúng là thửa đất đang tranh chấp trong vụ án hay không. HĐXX cho rằng không cần thiết.

Vị trí đất theo sổ đỏ của bà Hồng được Trung tâm kỹ thuật - công nghệ - quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Cà Mau xác định vào ngày 10-8-2023. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo bản án sơ thẩm, phía bị đơn và những người được cho là đã bán đất cho bị đơn đều vắng mặt. Tòa vẫn xét xử vì đã mời họ nhiều lần; các đương sự vắng mặt đã có lời khai, lời trình bày đầy đủ trong hồ sơ vụ án.

Cấp phúc thẩm cần hủy án

Bản án sơ thẩm chưa làm rõ ai là người trực tiếp sử dụng đất từ trước đến nay.

Bản án không ghi ý kiến người làm chứng, ý kiến của những hộ giáp ranh, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhằm xác định năm 2004 thu hồi đất có đúng thực tế không, ai là người nhận tiền bồi thường.

Cấp phúc thẩm cần triệu tập tất cả người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; đo đạc lại diện tích đất tranh chấp. Điều này nhằm xác định rõ ràng ranh giới và quyền sở hữu hợp pháp của các bên.

Việc hủy án là cần thiết để vụ tranh chấp được giải quyết đảm bảo khách quan nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Luật sư VŨ QUỐC TOẢN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bình luận về việc giải quyết tranh chấp trong vụ án này, Luật sư Hoàng Tư Lượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tòa sơ thẩm chưa triệu tập và đưa công ty phát triển nhà và ba cá nhân đã bán đất cho bị đơn vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS yêu cầu mời những người này là có căn cứ. Việc làm rõ vị trí, tính pháp lý của 3 thửa đất này là cơ sở để đánh giá nguồn gốc của quyền sử dụng đất của bà Loan.

Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn đã cập nhật biến động từ năm 2005 sau khi đã trừ diện tích thu hồi nhưng tòa sơ thẩm không mời Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Cà Mau, Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TNMT tỉnh Cà Mau tham gia vụ kiện và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bị đơn là chưa đánh giá triệt để nguồn gốc đất đối với quyền sử dụng đất của bên bị đơn; cũng như chưa đánh giá khách quan, toàn diện chứng cứ của vụ kiện.

Những chứng cứ này không thể thu thập tại phiên tòa nên tòa cấp phúc thẩm cần xem xét hủy án, để giao tòa sơ thẩm giải quyết lại, thu thập bổ sung và xem xét đánh giá lại toàn diện các chứng cứ.

Luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng đánh giá rằng tòa sơ thẩm chưa giải quyết triệt để vụ án. Thửa đất tranh chấp có thể đang tồn tại hai giấy đỏ. Bởi lẽ, nguyên đơn khởi kiện đã chứng minh mình đang nắm giữ sổ đỏ có vị trí rõ ràng, có cơ sở nguồn gốc và sổ này được cấp hợp pháp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bị đơn đang cho rằng thửa đất của mình được mua hợp pháp và đã được cấp giấy chứng nhận.

Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn nhưng trên thực tế nguyên đơn vẫn nắm sổ đỏ trong tay. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để vụ án, cần xác minh sổ đỏ nào được cấp đúng quy định pháp luật, để từ đó hủy giấy chứng nhận đã được cấp không đúng pháp luật.

TAND tỉnh Cà Mau nên xét xử sơ thẩm vụ án để đảm bảo tính khách quan

Về thẩm quyền thì trong vụ án này TAND cấp huyện (TAND TP Cà Mau) xét xử sơ thẩm là đúng với quy định tại Điều 26 và Điều 35 BLTTDS 2015.

Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 cũng có quy định TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện quy định tại Điều 35 BLTTDS mà TAND cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của TAND cấp huyện (theo khoản 2 Điều 37 BLTTDS 2015).

Theo báo chí đưa tin trong trường hợp bị đơn là phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau thì có nên để TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm? Đây là một trường hợp theo pháp luật hiện nay không cấm hoặc giới hạn quyền xét xử của TAND cấp huyện nhưng rõ ràng việc bị đơn đang đương nhiệm một vị trí lãnh đạo ở TAND cấp trên trực tiếp sẽ ít nhiều làm cho cá nhân nguyên đơn trong vụ án e ngại việc xét xử sẽ thiếu khách quan.

Nếu pháp luật đã có quy định TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện thì những trường hợp như vụ án này theo tôi cần được xem xét áp dụng để các đương sự trong vụ án được an tâm.

Bởi khi TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm thì thẩm quyền xét xử phúc thẩm sẽ thuộc về TAND Cấp cao nên sự e ngại bị đơn là lãnh đạo TAND cấp tỉnh sẽ phần nào được giải tỏa trước những trăn trở của nguyên đơn và các đương sự khác trong vụ án.

Luật sư PHÙNG VĂN HIỆU, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới