Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, sáng 9-8, tại Công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM xảy ra sự cố gãy nhánh cây xanh khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) và Công ty Công viên cây xanh đã liên hệ với thân nhân các nạn nhân, đồng thời cùng gia đình chăm sóc nạn nhân trong bệnh viện và lo hậu sự cho hai nạn nhân không qua khỏi.
Cũng từ vụ việc, nhiều bạn đọc đặt ra vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với các bên liên quan.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Ths - Luật sư (LS) Lê Viết Kỳ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết các công trình cây xanh trên địa bàn TP.HCM đa phần đều do các đơn vị quản lý cây xanh được nhà nước giao quản lý, duy tu.
Do vậy, theo LS, đơn vị được giao quản lý công trình cây xanh công viên Tao Đàn sẽ chịu trách nhiệm bồi thường (nếu có). Bởi Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Cụ thể, nếu nguyên nhân thiệt hại do cây cối gây ra được xác định là do sự kiện bất khả kháng, phía đơn vị quản lý cây xanh có đầy đủ các căn cứ chứng minh việc mình áp dụng tất cả những biện pháp nhằm ngăn ngừa những thiệt hại không đáng có gây ra thì trong trường hợp này, đơn vị quản lý cây xanh không phải chịu trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp đơn vị chủ quản về công viên và cây xanh được nhà nước giao quyền không thực hiện hết tất cả các biện pháp an toàn về cây xanh và chăm sóc cắt tỉa kiểm tra không đúng theo quy định tại Nghị định 64/2010, gây ra hậu quả chết người thì đơn vị chủ quản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong đó, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng và các thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài các khoản nêu trên, đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại; nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Khoản 3 và khoản 4 Điều 11 Nghị định 64/2010 quy định cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.
Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.