Sau vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông, quận Thanh Xuân ra văn bản thông báo môi trường quanh vụ cháy an toàn, còn Bộ TN&MT thì khuyến cáo người dân vẫn phải đề phòng ô nhiễm hóa chất...
Mọi sự cho thấy Hà Nội tỏ ra lúng túng khi ứng phó với nguy cơ mất an toàn quy mô lớn, còn người dân thì không biết tin vào đâu…
Nhớ lại, tháng 5-2018, UBND TP Hà Nội từng có quyết định phê duyệt đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội”. Đề án khá hoành tráng, chi tiết, đưa ra hàng loạt kịch bản về thảm họa có thể xảy ra đối với thủ đô. Nào là vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước; nào cháy nổ, sụp đổ công trình tại các khu dân cư… Thậm chí tình huống rò rỉ phóng xạ từ ba nhà máy điện hạt nhân tận bên kia biên giới phía Bắc, tức khu vực Đông Nam của Trung Quốc cũng được tính tới.
Từ đề án này, chính quyền Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị phải xây dựng kế hoạch, kịch bản riêng để chủ động ứng phó các thảm họa có thể xảy ra trên địa bàn.
Thế nhưng thực tế động thái ứng phó với sự cố cháy hơn 6.000 m2 kho xưởng của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đến thời điểm này của các cấp chính quyền Hà Nội đã bộc lộ sự lúng túng, tiền hậu bất nhất, khiến người dân trong khu vực ảnh hưởng lo lắng, bất an. Còn người dân các nơi khác của thủ đô thêm hoài nghi với năng lực quản trị của chính quyền.
Hiện trường vụ cháy kho hàng Công ty Rạng Đông. Ảnh: VIẾT LONG
Vụ cháy xảy ra khoảng 16 giờ 45 ngày 28-8. Ngay trong đêm, lúc 3 giờ sáng 29-8, khi việc chữa cháy vẫn đang diễn ra, công an khu vực đã đến nhà các tổ trưởng dân phố gần đó thông báo nguy cơ ô nhiễm môi trường do kho xưởng bị cháy có hóa chất độc hại.
Phản ứng rất nhanh, ngay trong ngày, UBND phường Hạ Đình ra văn bản khuyến cáo người dân về nguy cơ tồn dư hóa chất độc hại trong môi trường do vụ cháy gây ra, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh rủi ro. Thông báo được in ra khoảng 1.000 bản để gửi tới các tổ dân phố trên địa bàn để cảnh báo tới từng hộ dân.
Một ngày sau, sáng 30-8, UBND quận Thanh Xuân lại chỉ đạo UBND phường Hạ Đình phải thu hồi thông báo này vì lỗi ban hành “không đúng thẩm quyền, chưa đủ cơ sở”.
Thậm chí lãnh đạo của quận Thanh Xuân còn thông tin với báo chí sẽ tiến hành kiểm điểm đối với lãnh đạo phường Hạ Đình. Chính quyền quận chỉ thông tin vậy, mà không hề cho biết môi trường, không khí, khói bụi từ đám cháy ra có nguy hiểm không và dân nên làm gì.
Mãi chiều cùng ngày, UBND quận Thanh Xuân mới ra văn bản cho biết số liệu quan trắc nhanh mẫu không khí, nguồn nước, đất, bụi… tiến hành hồi sáng là “ở mức độ bình thường”. Các số liệu test nhanh chỉ số về thủy ngân, chì, kim loại nặng quanh khu vực cháy cũng đảm bảo mức độ an toàn đối với người dân.
Văn bản này chỉ cho biết cơ quan chuyên môn đang tiếp tục đánh giá môi trường quanh khu vực đám cháy để đưa ra cảnh báo kịp thời và không hề đưa ra khuyến cáo nào để người dân đề phòng rủi ro nếu có.
Sở TN&MT TP Hà Nội lắp máy quan trắc môi trường sau sự cố cháy kho hàng của Công ty Rạng Đông. Ảnh: AN HIỀN
Phải chăng quận Thanh Xuân mới là “cấp có thẩm quyền” trong việc ra thông báo này? Và nếu đúng thì tại sao 42 giờ đồng hồ sau khi đám cháy bắt đầu, hay 35 giờ sau khi đám cháy cơ bản được khống chế, mới ra được một thông báo lửng lơ như thế?
Không cần lâu để trả lời câu hỏi ấy. Vài tiếng sau, báo chí đã loan tin Bộ TN&MT cảnh báo nguy cơ an toàn khu vực quanh đám cháy và ngay đầu giờ sáng 31-8, cơ quan này phát thông cáo báo chí khẳng định vẫn tiềm ẩn những rủi ro về môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đồng thời khuyến cáo để người dân tự bảo vệ như tạm thời không sử dụng lương thực, thực phẩm nuôi trồng quanh khu vực đám cháy; không sử dụng nguồn nước mặt để sinh hoạt, ăn uống; vệ sinh nhà cửa, quần áo bám khói bụi… ở bán kính 1,5 km, tức gấp 2-3 lần phạm vi cảnh báo của phường Hạ Đình đã bị quận Thanh Xuân thu hồi.
Trong xã hội hiện đại, văn minh, nhân quyền - quyền con người được đề cao, bảo vệ. Nghĩa vụ của Nhà nước, của chính quyền các cấp trước hết là phải bảo vệ, lo lắng được sức khỏe, tính mạng của người dân. Nguyên tắc quan trọng trong ứng phó thảm họa mà ai cũng biết là chính quyền phải có cảnh báo sớm về các nguy cơ có thể xảy ra và biện pháp đối phó, chứ không phải đợi đến khi có số liệu chứng minh rõ ràng.
Với các tri thức ấy, tiêu chí ấy, có lẽ lãnh đạo phường Hạ Đình cần được biểu dương vì một cảnh báo sớm, kịp thời về một nguy cơ có khả năng xảy ra, đe dọa tính mạng, sức khỏe của hàng ngàn người dân quanh đó.
Nếu cần kiểm điểm, phê bình, thậm chí kỷ luật thì có lẽ phải là chính cấp có thẩm quyền, người có thẩm quyền, có nghĩa vụ với dân trong tình huống đặc biệt này.
Công tác khắc phục hậu quả vụ cháy có tính chất công nghiệp ở phường Hạ Đình đang được tiếp tục triển khai. Trong công tác ấy, phần không thể thiếu là kiểm điểm, phê bình đúng người, đúng địa chỉ. Và để những bất cập, khuyết điểm ấy không lặp lại ở nơi này, nơi khác của thủ đô, thiết nghĩ cũng phải mổ xẻ xem đề án ứng phó nguy cơ thảm họa kia của UBND TP Hà Nội có khả thi, thiết thực không? Nếu đề án trên giấy ấy tốt thì tại sao lại chưa vào cuộc sống?
Nếu với tầm mức yêu cầu ấy, có lẽ Chính phủ cũng cần vào cuộc thì mới có thể rút ra bài học thể chế bổ ích không chỉ cho chính quyền Hà Nội mà cả các tỉnh, thành khác vốn đang đối mặt hằng ngày với đòi hỏi ngày càng cao của nhân dân, trong đời sống kinh tế - xã hội đang hết sức sôi động.