Trong tuần qua, các bài viết “Khó hiểu tòa kết tội năm người cưa gỗ khô”, “Tòa kết tội năm bị cáo vụ cưa gỗ khô, nhiều người khóc nức nở” đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc bức xúc về phiên tòa xét xử năm bị cáo cưa gỗ khô của TAND tỉnh Kon Tum.
Phải đảm bảo tính nhân văn
Theo hồ sơ, kiểm lâm Phan Tiến Dũng cả nể anh Lê Quốc Khánh thường tìm người làm cà phê giúp nên đồng ý cho anh Khánh cùng với các anh Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa cây gỗ trắc đã chết khô với khối lượng 0,123 m3.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo trên 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Cả năm bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm. Qua các kỳ xử sơ thẩm, phúc thẩm, vụ án vẫn chưa có hồi kết.
Tháng 9-2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga yêu cầu chánh án TAND Tối cao giải trình về vụ án.
Ngày 12-8, TAND tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm lần ba đã bác kháng cáo kêu oan về tội danh trộm cắp tài sản, sửa án sơ thẩm để cho ba bị cáo Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Bảy được hưởng án treo; hai bị cáo Phan Tiến Dũng và Lê Quốc Khánh mỗi bị cáo 10-12 tháng tù.
Bạn đọc Nguyễn Thúy bình luận: “Quá đau lòng khi đọc qua nội dung vụ án này. Tại sao Tòa Tối cao kháng nghị theo hướng buộc xử có tội? Tòa Tối cao nghĩ sao về các vụ việc tương tự nhưng chỉ bị xử phạt hành chính? Bảo vệ pháp luật nhưng cũng phải đảm bảo tính nhân văn”.
“Là người dân, qua nhiều lần theo dõi tòa án xử, tôi thấy tội cho những người dân này quá. Chặt cây khô chứ phải chặt cây tươi đâu mà xử lý hình sự thì oan cho họ quá, xử lý hành chính là được rồi. Xử theo hướng có tội liệu có công bằng, có vì công lý?” - bạn đọc Thái An ý kiến.
Bạn Kaka cũng có cùng ý kiến: “Đúng là việc cưa gỗ khô trong rừng đặc dụng là sai nhưng theo tôi thấy không đến mức phải xử hình sự”.
“Tòa Tối cao đã kháng nghị theo hướng có tội thì tòa tỉnh sao xét xử độc lập được. Thất vọng quá, kết quả xét xử của tòa, VKS đã khiến người dân không có cơ hội được xử đúng pháp luật” - theo bạn Phạm Anh.
Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Vì sao dự án ma của Alibaba dân vẫn mua?
Bài viết “Tiếp tục cảnh báo dự án ma của Alibaba ở Bình Thuận” cũng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Tháng 5-2019, thông tin về những dự án của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được quảng cáo rầm rộ. Trung tuần tháng 6, Công ty Alibaba đã tổ chức lễ mở bán dự án này tại TP.HCM, thu hút rất đông người tham gia.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng của Bình Thuận chưa nhận được văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của Công ty Alibaba.
Bạn đọc Mai Hoa có ý kiến: “Giờ thời đại 4.0, cứ mở cái điện thoại ra là có thể biết những thông tin đang diễn ra trên cả nước. Những thông tin về dự án ma của Alibaba đầy trên mặt báo, vậy mà cũng có rất nhiều người dân dính vô. Tôi không hiểu dân không biết hay vì họ quá tham mà bất chấp dư luận”.
“Vì sao dự án ma vẫn được rao bán rầm rộ dù sai quy định pháp luật. Phải chăng đây là khe hở của pháp luật hay sự làm ngơ sai phạm của các cơ quan chức năng” - bạn Thanh Nguyên bình luận.
Nhiều bạn đọc cũng chung ý kiến, để dẹp tình trạng dự án ma kiểu Công ty Alibaba thì người dân cần tỉnh táo tìm hiểu thông tin dự án từ nhiều phía khi đầu tư, tránh tiền mất tật mang.
Đã đến lúc vạch rõ âm mưu của Trung Quốc về biển đông Các bài viết “Ba nước cờ nguy hiểm của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông sẽ thất bại!”, “Cuộc đấu pháp lý phi nghĩa của TQ ở biển Đông” đã nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc. Kể từ tháng 5-2019, TQ liên tiếp cử các đội tàu quấy rối các hoạt động khai thác kinh tế của Malaysia, Philippines, Việt Nam. Hành động của TQ trên thực địa lần lượt bị các nước ở biển Đông như Việt Nam và các quốc gia ngoài biển Đông như Mỹ phản đối và chỉ trích mạnh mẽ. Bởi vì nó vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, điển hình là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); vi phạm trắng trợn phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. • Các nước cần hợp tác cùng nhau đấu tranh chống TQ trên biển, vạch rõ những vi phạm phía họ đang làm. Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng vì hòa bình biển Đông - Hà Văn Linh • TQ buộc các quốc gia ở biển Đông phải đánh đổi chủ quyền lãnh thổ quốc gia của nước họ cho TQ để TQ không quậy phá họ. Đây là một hành động chúng ta phải vạch trần thủ đoạn để bạn bè trên thế giới được biết - Thùy Trang • Đã đến lúc chúng ta phải xem xét việc kiện TQ ra tòa án quốc tế. Bởi TQ toàn nói một đằng làm một nẻo, họ không tôn trọng những gì đã cam kết trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà chính họ đã đặt bút ký để trở thành thành viên - Trần Lợi |