Vụ cựu công an chạy án: Điều tra vai trò 1 kiểm sát viên

Ngày 31-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ và đưa hối lộ với bị cáo là cựu cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM Phạm Quang Tiến và ba đồng phạm. HĐXX phúc thẩm đã hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại.

Cán bộ công an bị cáo buộc nhận tiền chạy án

Cấp phúc thẩm hủy án do có dấu hiệu cho thấy cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm (hiện là kiểm sát viên VKSND TP.HCM), đồng thời việc chưa làm rõ hành vi của người này làm ảnh hưởng đến việc xác định tội danh và hình phạt đối với Tiến và các bị cáo khác. Chứng cứ thể hiện khoảng thời gian xảy ra vụ án, Tiến có sáu tin nhắn gửi kiểm sát viên này nhưng cơ quan điều tra lại không cho trích xuất cụ thể nội dung tin nhắn…

Phạm Quang Tiến (thứ hai từ phải sang) và các đồng phạm tại
phiên tòa sơ thẩm ngày 29-12-2020. Ảnh: SM

Trước đó, ngày 29-12-2020, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã phạt Tiến tám năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Thị Diệu Trang bốn năm sáu tháng tù về tội môi giới hối lộ, Nguyễn Vũ Thanh Thủy và Nguyễn Long mỗi bị cáo ba năm sáu tháng tù cùng về tội đưa hối lộ.

Theo nội dung vụ án, ngày 15-11-2018, Trang gọi cho Tiến nhờ giúp cho Nguyễn Duy không bị bắt. Tại thời điểm này, Duy liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản và đang bị Công an quận Tân Phú truy tìm.

Quá trình điều tra, ban đầu Tiến khai rằng khi nghe nhờ giúp, Tiến nói chuyện này phức tạp, đừng dính vào. Tuy nhiên, do Trang năn nỉ quá nên Tiến điện thoại hỏi ông Đinh Duy H. (kiểm sát viên VKSND TP.HCM) thì ông H. đồng ý nên Tiến gọi điện thoại báo cho Trang biết.

Tiến khai: Ngày 19-11-2018, sau khi nhận gói tiền thì Tiến giao lại cho ông H. tại vườn hoa bên hông VKSND TP.HCM để nhờ ông H. giúp. Sau đó, để chứng minh cho việc có giao cho ông H. gói tiền, Tiến gọi điện thoại cho ông H. trao đổi những nội dung liên quan đến số tiền này, ghi âm toàn bộ cuộc gọi và giao nộp cho cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, quá trình điều tra sau đó, Tiến thay đổi lời khai rằng không nhận tiền nhưng đã thừa nhận việc nhận lời giúp con nuôi của Trang không bị bắt, xin được khoan hồng; đồng thời gửi đơn xin thông qua gia đình tự nguyện nộp khắc phục hậu quả…

Tại cơ quan điều tra, ông Đinh Duy H. khai: Khi làm kiểm sát viên tại VKSND quận 10, ông có quen biết Tiến, khi đó là cán bộ Công an quận 10. Từ năm 2013 đến nay, ông được điều động đến công tác tại VKSND TP.HCM. Từ khi biết Tiến đến nay, ông chưa bao giờ nhận tiền gì của Tiến để giúp đỡ cho bất kỳ ai.

Cáo trạng mâu thuẫn kết luận giám định

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trang, Thủy và Long xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.

Trong đó, Thủy và Long (chị và anh của Nguyễn Duy) khai nhận việc Long giao tiền cho Tiến để nhờ giúp cho em trai không bị bắt. Long khai rằng tại quán cà phê, bị cáo để bọc tiền trên bàn và đẩy qua chỗ Trang thì Trang đẩy qua chỗ Tiến ngồi. Sau đó Long cầm bọc tiền đi ra trước, lát sau thì Tiến đi ra. Sau này Nguyễn Duy vẫn bị bắt nên họ tố cáo.

Riêng Tiến cho rằng hồ sơ còn nhiều uẩn khúc, đề nghị xem xét bị cáo không lừa ai, không nhận tiền của ai. Long là người cầm bọc tiền, Tiến không cầm tiền của Long.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm vì đã xử đúng người, đúng tội và đã xử phạt mức hình phạt tương xứng.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm lại cho rằng cấp sơ thẩm chưa làm rõ hành vi của ông H., có dấu hiệu cho thấy đã bỏ lọt tội phạm nên quyết định hủy án để điều tra lại.

HĐXX nhận thấy: Các lời khai từ ngày 22-11-2018 đến ngày 25-8-2020 của Tiến đều thể hiện nội dung tại quán cà phê, khi gần về, người thanh niên (Long) đưa một bịch bên trong không biết là gì cho Trang, Tiến. Tiến hỏi thì người thanh niên trả lời là tiền để nhờ ông H. giúp, khoảng 300 triệu đồng. Tiến cầm nhưng không đếm, cũng không biết số lượng tiền. Sau đó Tiến chạy xe đến bên hông VKSND TP.HCM gặp ông H. và đưa bịch tiền, không đếm, đưa xong Tiến đi về.

HĐXX phúc thẩm đánh giá: Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì việc không đủ điều kiện để giám định là do mẫu tiếng nói so sánh của ông H. chất lượng kém (tiếng nói nhỏ, nội dung lời nói không đúng trọng tâm với mẫu cần giám định). Như vậy, việc không giám định được không phải là do chất lượng ghi âm của mẫu cần giám định nhưng cơ quan điều tra không thu lại mẫu tiếng nói của ông H. để trưng cầu giám định lại. Đồng thời, cáo trạng ngày 2-10-2020 của VKSND TP.HCM lại xác định: “Kết luận giám định về mẫu tiếng nói của ông H. do Tiến cung cấp chất lượng kém, không đủ điều kiện để giám định” là không đúng với kết luận giám định.

 

Lời khai mâu thuẫn nhưng chưa đối chất

Cấp phúc thẩm nhận định rằng có sự mâu thuẫn giữa lời khai của Tiến với ông H. trong quá trình điều tra nhưng chưa được cho đối chất.

Cụ thể là cơ quan điều tra thu giữ tin nhắn Tiến gửi cho số thuê bao của ông H. vào lúc 18 giờ 41 phút ngày 16-11-2018. Nội dung tin nhắn nêu tên bốn người, trong đó có tên Nguyễn Duy.

Tại biên bản ngày 25-4-2019, ông H. trình bày số điện thoại ông sử dụng khoảng 10 năm nay nhưng ông không nhận được tin nhắn trên nên không biết nội dung, cũng không biết lý do Tiến chuyển tin nhắn trên. Tuy nhiên, tại số thứ tự từ 4793 đến 4798 của chi tiết dữ liệu online (Bút lục 562) thể hiện từ lúc 18 giờ 41 phút 21 giây đến 18 giờ 41 phút 28 giây cùng ngày 16-11-2018 (trùng với thời gian thu giữ tin nhắn trong điện thoại của Tiến) thì số thuê bao của ông H. nhận sáu tin nhắn từ số thuê bao của Tiến nhưng cơ quan điều tra chưa yêu cầu nhà mạng cung cấp nội dung các tin nhắn để làm rõ lời khai của ông H.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm