Khi nhìn thấy anh Trần Đức Dự cùng bốn người bạn dắt một xe máy ngoài đường khuya, bảo vệ dân phố có quyền nghi ngờ các anh là kẻ gian. Khi họ không xuất trình được giấy tờ tùy thân, bảo vệ dân phố có thể mời về công an phường làm việc. Tại đây, bằng nghiệp vụ của mình, Công an phường 6, quận Gò Vấp hoàn toàn có thể xác minh được họ là người thế nào. Nếu chỉ vì quên mang theo CMND, họ có thể bị xử phạt hành chính. Đằng này công an phường đã “đẩy” họ vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội, bất chấp lời thanh minh của họ về tình trạng nhân thân, chỗ ở, việc làm.
Hành vi công vụ duy nhất mà Công an phường 6 áp dụng nhằm xác minh tình trạng nhân thân của các đương sự chỉ là chở họ đến Công an phường 15, quận Tân Bình (nơi anh Dự đang ở) để kiểm tra. Và khi công an sở tại bảo các đương sự không đăng ký lưu trú, Công an phường 6, Gò Vấp vội vàng ra về, thay vì đến địa chỉ nơi anh Dự khai đang ở để xác minh thêm. Nếu Công an phường 6 bỏ thêm chút thời gian đến nhà anh Dự, ắt họ sẽ gặp được vợ anh và câu chuyện sẽ hoàn toàn sáng tỏ.
Chưa nói đến sáng hôm sau, khi vợ anh Dự mang giấy tờ tùy thân đến, thay vì nhanh chóng tiếp nhận giải quyết, họ lại một lần nữa đánh mất cơ hội sửa sai của mình. Anh Dự thì cho rằng khi vợ anh mang giấy tờ đến anh vẫn còn ở công an phường nhưng cán bộ từ chối giải quyết; còn công an phường thì thanh minh lúc đó xe đã chở nhóm anh Dự đến trung tâm rồi. Cho dù công an nói đúng thì họ vẫn có thể sửa sai bằng cách liên hệ ngay với trung tâm để nhanh chóng giải quyết cho các đương sự về nhà. Thế nhưng chuyện đó đã không xảy ra...
Anh Trần Hữu Vạn Phước (trái), một trong năm người bị bắt vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM sáng 8-8, vui mừng khi được cha bảo lãnh vào sáng 16-8. Ảnh: THÀNH NHÂN
Tóm lại, trong chuyện này chính Công an phường 6 (Gò Vấp) đã không làm hết trách nhiệm, dẫn đến việc anh Dự cùng những người bạn phải trải qua những ngày bị nhốt oan uổng. Không chỉ thiệt hại về tiền bạc (mất thu nhập, tiền xe cộ người thân đi lại để bảo lãnh), những công dân này còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm khi vô cớ bị quy chụp là người lang thang ăn xin.
Trong vụ này Công an phường 6 (Gò Vấp) phải công khai xin lỗi anh Dự cùng bốn người bạn của anh. Đó là việc làm cần thiết, thể hiện tinh thần sửa sai, cầu thị.
THÁI AN
Cả UBND phường cũng có lỗi
Dường như Công an phường 6, quận Gò Vấp và cả Công an phường 15, quận Tân Bình đã có định kiến anh Dự và bốn người bạn đi trong đêm là thành phần bất hảo. Tôi nghĩ vậy vì cách xác minh của họ tựa như làm cho có. Tại Công an phường 6, quận Gò Vấp, khi năm người đều khai có việc làm, chỗ ở ổn định thì cơ quan này không gọi điện thoại đến công ty hay người thân của các anh hoặc đến tận nơi ở của các anh để tìm hiểu. Tuy biết nội dung xác nhận của mình có ảnh hưởng quan trọng đến thân phận pháp lý của người khác, Công an phường 15, quận Tân Bình cũng chỉ đơn thuần lật sổ để xác nhận họ không có đăng ký lưu trú ở địa phương.
Khi đúng, sai đã rõ, tại sao công an và UBND phường 6 chưa thừa nhận sai sót của mình để sớm có lời xin lỗi anh Dự và bốn người bạn đã bị xử lý oan?
LÊ THÀNH AN (Phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM)
Dù bất cứ lý do gì thì công an và UBND phường 6, quận Gò Vấp đã làm ảnh hưởng đến nhân phẩm và danh dự của năm công dân. Từ cách xử lý chủ quan, suy diễn của hai cơ quan này mà gia đình các nạn nhân phải vất vả, tốn kém tiền bạc chạy từ miền Trung xa xôi (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào đây để bảo lãnh người thân.
PHƯƠNG KHÁNH (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế )
Cần hiểu đúng về người lang thang Việc xử lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng (nói tắt là người lang thang) trên địa bàn TP.HCM được thực hiện theo Quyết định 104/2003 và Quyết định 183/2006 của UBND TP.HCM. Theo các văn bản này, người lang thang xin ăn là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào; việc sinh sống nơi công cộng được hiểu là hành vi của những người mà mọi sinh hoạt hằng ngày (tắm giặt, ăn, ngủ) đều diễn ra nơi công cộng như vỉa hè, lòng lề đường, công viên…Theo đó, năm thanh niên với các hành vi như nhậu say, đẩy xe đi bộ trên đường giữa đêm khuya và không mang giấy tờ tùy thân không phải là người lang thang. Vậy mà các cơ quan chức năng đã chủ quan gán cho các anh là người lang thang để rồi dẫn đến kết cục hết sức đáng tiếc. Từ nội dung xác nhận không đúng với thực tế của Công an phường 15, quận Tân Bình, anh Dự trở thành đối tượng không có nơi cư trú nhất định. Và rồi đại diện bốn đơn vị của phường 6, quận Gò Vấp là UBMTTQ, lao động thương binh xã hội, công an và UBND phường đã cùng ký vào “biên bản xác nhận đối tượng xã hội không có nơi nương tựa cần được giúp đỡ”… Có vẻ như vụ việc của anh Dự đã được xử lý theo những công thức chung rất cần xem xét lại để chấn chỉnh. Dù anh không phải là người lang thang nhưng trong tờ cam kết của thân nhân khi bảo lãnh anh ra (mẫu đơn của Trung tâm Hỗ trợ xã hội), phần nêu lý do anh bị tập trung vào trung tâm lại tiếp tục ghi câu “do bỏ nhà sống lang thang xin ăn…”. ĐÔNG YÊN |