Vụ “hắt ly bia, bị truy tố tội làm nhục”: Không đáng xử lý hình sự!

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 14-4 có bài phản ánh Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) đang truy nã bị can Trần Đình Mỹ Lân về tội làm nhục người khác do đã hắt ly bia lên người một cán bộ thuế trong quán nhậu. Em trai và lái xe là người đi cùng bà Lân cũng bị truy tố về tội danh trên với vai trò đồng phạm.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc xử lý hình sự trong vụ này là không cần thiết, quá nặng tay, chỉ cần xử phạt hành chính là đủ.

Không cần thiết

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An), diễn biến và bản chất vụ việc giống với hành vi gây rối trật tự nơi công cộng hơn là làm nhục người khác. Thực tế vụ việc cũng chỉ gây náo động, ồn ào ở trong quán ăn. Cạnh đó ranh giới giữa việc xử lý hành chính hay hình sự trong vụ này có nhiều điểm đáng bàn. Về lý thuyết, việc bị hắt ly bia vào mặt thì thiệt hại về tinh thần không đáng kể, không phải là bị xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm. Việc hai bên cãi vã qua lại bằng những lời khó nghe, cầm chai bia hăm dọa, quay phim ghi hình lại (chưa phát tán) chỉ như một xô xát nhỏ trong cuộc sống.

“Hằng ngày, chúng ta chứng kiến không ít cảnh tượng ở quán xá người ta cự cãi, hắt bia rượu vào nhau, thậm chí là sấn tới đấm nhau vài cái. Nhưng khi chủ quán gọi công an phường tới thì người ta cũng chỉ mời về trụ sở, giáo dục rồi phạt hành chính là xong nếu như không gây thương tích. Huống chi hành vi của bà Lân chỉ là nóng nảy nhất thời, tình cờ gặp nhóm cán bộ thuế tại quán nhậu. Hành vi trái pháp luật của bà Lân là có nhưng các dấu hiệu cấu thành tội phạm rất khiên cưỡng, chưa đủ để xử lý hình sự. Để tạo điều kiện cho công dân sửa chữa sai lầm, những tình huống thế này chỉ cần xử phạt hành chính là đủ” - luật sư Phong nhấn mạnh.

Một kiểm sát viên VKSND Tối cao cũng cho rằng việc xử lý hình sự trong vụ này là quá nghiêm khắc. Nguyên nhân là do mâu thuẫn cá nhân, hai bên xích mích nhau, không có gì gọi là xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Về bản chất vụ việc, người bị hại cho rằng bị bà Lân hắt ly bia vào mặt, còn phía bà Lân nói bà bị nắm tóc, bị đánh phải nhập viện, vậy ai làm nhục ai? Nếu quá trình điều tra có chứng cứ mà cơ quan tố tụng không đưa tình tiết này vào là gây bất lợi cho các bị can và thể hiện bà Lân cũng bị làm nhục vì thời điểm đó hai người đều có tư cách công dân ngang nhau.

Đặc biệt, cáo trạng của VKSND huyện Định Quán lập luận hành vi của bà Lân và hai đồng phạm đã xâm hại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cán bộ thuế, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của ngành thuế địa phương nên họ bị truy tố về tội làm nhục người khác với tình tiết định khung là “đối với người thi hành công vụ” lại càng không chính xác. Phạm tội với người đang thi hành công vụ là hành vi phải diễn ra ngay tại thời điểm người bị hại đang thi hành chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, thời điểm xảy ra sự việc là giờ nghỉ trưa, người bị hại đang ăn nhậu, không thi hành công vụ nào cả.

Chưa phải là tội phạm

Ở góc độ lý luận, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng khẳng định với những mô tả như thông tin trong bài báo thì vụ này chỉ đáng xử lý hành chính. Bởi lẽ khoản 3 Điều 8 BLHS đã quy định rõ những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Theo TS Tuấn, trước hết cần khẳng định hành vi hắt ly bia của bà Lân vào cán bộ thuế là sai nhưng tính nguy hiểm không đáng kể. Thứ hai, tội làm nhục người khác là tội cấu thành hình thức nên yếu tố gây thiệt hại về tinh thần là rất quan trọng. Trong vụ này, hành động hắt ly bia vào mặt không gây thiệt hại nghiêm trọng cho người bị hại, việc chửi nhau qua lại cũng không xúc phạm đáng kể vì thực tế cả hai bên đều tham gia xô xát, thậm chí bên cán bộ thuế còn đông hơn chứ không phải một mình bà Lân chủ động. Mục đích của việc gây rối là cho bõ tức do hai bên có mâu thuẫn nhau từ trước chứ không phải bà Lân chủ động chọn quán nhậu làm địa điểm để làm nhục cán bộ thuế.

Cùng nhận định, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) nhận xét: “Thực tiễn xét xử cho thấy người phạm tội làm nhục phải có ý thức chủ động thực hiện hành vi nhằm mục đích làm nhục. Đó là việc dùng vũ lực để khống chế để lăng mạ, chửi rủa, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo nơi công cộng…, làm cho người bị hại nhục nhã ê chề. Còn ở đây hai bên có mâu thuẫn từ trước, tình cờ gặp nhau, gây hấn, cãi vã qua lại, hắt ly bia vào mặt nhau cho bõ tức mà lại trở thành tội phạm ư? Những dạng mâu thuẫn xích mích lặt vặt này diễn ra rất nhiều trong cuộc sống, nếu cứ đè ra xử hình sự, hở một tí là khởi tố, truy tố thì không ổn”.

THANH TÙNG

 

Tóm tắt vụ việc

Theo cáo trạng, trưa 10-10-2013, bà Lân cùng em trai và tài xế vào một quán ăn ở huyện Định Quán ăn trưa thì gặp ông Phạm Văn Trọng (Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Định Quán) cùng đoàn cán bộ đang ăn nhậu tại đó. Vì có mâu thuẫn trong việc cưỡng chế nợ thuế, thấy “cán bộ đi ăn nhậu trong giờ làm việc”, bà Lân chửi bới, đưa điện thoại cho tài xế quay clip. Sau đó, bà Lân cầm ly bia tạt vào người ông Trọng. Ông Trọng cầm khăn tay lau mặt thì bà Lân tiếp tục tạt ly bia khác và chửi bới. Lúc này em bà Lân cầm chai bia xông tới, hăm dọa không cho những cán bộ chi cục thuế can ngăn… Khi ông Trọng và cán bộ Chi cục Thuế lên ô tô về thì bà Lân và em trai đứng cản trước đầu xe ô tô, không cho chạy, tiếp tục chửi bới, còn tài xế thì quay lại cảnh xô xát… Kết quả giám định, ông Trọng bị thương tật 1% tạm thời.

Trong khi đó, phía các bị can trình bày khi thấy các cán bộ thuế ăn nhậu với nhiều lon bia trên bàn, bà Lân nói: “Nay còn là quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mấy ông ăn nhậu nói nhỏ thôi”. Nghe thấy vậy, một người bàn bên cán bộ thuế nói: “Con nào mà ăn nói giống như chính trị gia vậy?” thì ông Trọng nói: “Nó là cháu con ông L., cán bộ nhưng về hưu hết thời rồi, nó bị trù dập mấy năm nay mà vẫn to mồm”. Sau đó bà Lân tiến sang cầm ly bia hắt vào ông Trọng. Khi ông Trọng chạy ra xe, bà Lân đứng chặn, yêu cầu ông Trọng không được đi để gọi cơ quan công an đến lập biên bản...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm