Vụ Huyền Như và vụ bầu Kiên là “án chồng án”

Ngày 28-5, ngày thứ tám của phiên xử bầu Kiên và đồng phạm, luật sư của các bị cáo đã trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ.

Mối quan hệ nhân quả không thể tách rời

Tại tòa, luật sư của bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang cho rằng theo khoản 2 Điều 117 BLTTHS, cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp thật cần thiết, khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm. Việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tế vụ án Huỳnh Thị Huyền Như thì thấy hành vi cố ý làm trái (nếu có) của các thành viên trong HĐQT ACB không thể tách rời việc xác định hậu quả thiệt hại do số tiền ACB gửi tại VietinBank bị chiếm đoạt.

Bản án sơ thẩm xử Huyền Như đã tuyên xử ACB bị thiệt hại 718 tỉ đồng và buộc Huyền Như bồi thường thiệt hại cho ACB. ACB đã kháng cáo, vấn đề này phải được kết luận tại bản án phúc thẩm của Huyền Như. Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên, để xác định các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB có phạm tội hay không thì phải chứng minh thiệt hại của ACB, mối quan hệ nhân quả tất yếu của hành vi làm trái (nếu có) với thiệt hại đó. Như vậy, hậu quả thiệt hại của ACB trở thành đối tượng chính trong cả hai vụ án này.

Bầu Kiên ngồi nghe các luật sư bào chữa sáng 28-5. (Ảnh chụp qua màn hình)

“Hậu quả của việc tách vụ án Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên đã tạo nên một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu luật hình sự gọi là “án chồng án”” - luật sư kết luận.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên TGĐ ACB) thì cho rằng giai đoạn truy tố, luật sư gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc với thân chủ. Và tại phiên tòa, việc HĐXX đưa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với ông Trần Xuân Giá (cựu bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nguyên chủ tịch HĐQT ACB) ngay từ khi mở phiên tòa là điều gây khó khăn cho luật sư, không phù hợp với Điều 180 BLTTHS…

Bài bào chữa bị cắt khúc

Quá trình các luật sư bào chữa, HĐXX nhiều lần phải cắt ngang và nhắc luật sư trình bày quá dài, có nhiều ý trùng lặp. Đỉnh điểm, có hai luật sư đang bào chữa cho thân chủ thì HĐXX đề nghị tạm dừng để luật sư khác trình bày, luật sư quay lại trình bày sau. Cả buổi sáng và buổi chiều, khi luật sư đang phát biểu thì HĐXX tuyên bố nghỉ giải lao 10 phút.

Bầu Kiên tiếp tục đề nghị được thực hiện quyền tự bào chữa nhưng HĐXX nói bị cáo sẽ thực hiện quyền này sau.

Một diễn biến đáng chú ý khác, một luật sư bào chữa cho bầu Kiên đã kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước. Theo luật sư, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chậm ban hành hướng dẫn luật này. Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã không can thiệp, xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền, dẫn đến việc bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái. Thực tế việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền đã được ACB thực hiện từ năm 2005 chứ không phải từ năm 2010.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm