Mở đầu cuộc trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM ngày 2-4, ông Vũ Xuân Hải, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, bày tỏ sự bức xúc trước việc phần lớn nhân chứng là cán bộ công an trong vụ án trên không đến tham gia tố tụng theo triệu tập của tòa án.
“Lẽ ra khi tòa án triệu tập, lãnh đạo Công an TP Tuy Hòa phải chỉ đạo tất cả cán bộ công an là nhân chứng của vụ án đến tòa án đầy đủ, chấp hành nghiêm vì họ là cơ quan bảo vệ pháp luật. Người làm chứng là công an mà lại không chấp hành, nay mai người dân là nhân chứng cũng không đến tòa thì sao? Đây là một vụ án lớn, đến mấy chục người làm chứng mà họ vắng như vậy. Ngay việc đầu tiên tôi đã thấy kỳ quá! Thứ hai là quyết định đưa vụ án ra xét xử lại không có tên luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại. Họ bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại đàng hoàng, vì sao không đưa tên họ vào?” - ông Hải nói.
Đánh vào đầu là giết người
. Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng VKS truy tố các bị cáo tội dùng nhục hình không đúng với bản chất vụ án mà phải truy tố ở tội danh khác. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Ông Vũ Xuân Hải: Truy tố tội dùng nhục hình là đúng chứ, vì tội này có nhiều dạng như đánh đập, bắt nhịn đói, nhịn khát, không cho ngủ… để buộc nghi can khai theo ý muốn. Còn hậu quả nghiêm trọng hay không nghiêm trọng thì có thể định khung. Đâu cứ phải khởi tố bị can rồi mới có tội dùng nhục hình.
Tuy nhiên, khi công an đã dùng vũ lực đánh người ta gây ra hậu quả chết người hoặc có thương tích thì phải xem xét thêm hai tội này nữa. Nếu đánh vào đầu thì truy tố thêm tội giết người, nếu đánh vào chân nhưng gây ra chết người thì tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
. Theo ông, trong vụ án này có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật không?
+ Tội bắt, giữ người trái pháp luật trong vụ án này rõ như ban ngày. 3 giờ sáng đến còng tay người ta dẫn đi trong khi không có lệnh bắt, không phạm tội quả tang, không thuộc diện bắt khẩn cấp… là bắt, giữ người trái pháp luật chứ còn gì nữa! Tôi thấy đại diện VKS nói rằng ở đây là bắt người tình nghi. Nói vậy sao được! Bắt người như vậy mà sao nói đúng? Nếu tình nghi, anh chỉ được đến hỏi thôi.
Năm bị cáo công an tại tòa. Ảnh: TẤN LỘC
Luật sư đề nghị khởi tố phó Công an TP Tuy Hòa là đúng!
. Ông nghĩ thế nào về việc luật sư bên bị hại đề nghị khởi tố ba tội bắt, giữ người trái pháp luật, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với phó Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn?
+ Đề nghị của luật sư Võ An Đôn như vậy là đúng. Bởi lính làm sai thì sếp phải có trách nhiệm. Tôi không nói ông nào, bà nào mà chỉ nói ai chỉ huy ca trực đó phải chịu trách nhiệm. Nếu anh không biết việc đánh người như vậy là thiếu trách nhiệm.
. Ông có bình luận gì về việc VKS đề nghị cho bốn bị cáo được hưởng án treo?
+ Việc cho hưởng án treo phải căn cứ vào nhiều yếu tố, nhất là tính chất, hậu quả, hành vi, nhân thân.
Với tính chất của vụ này, đánh chết người mà sao lại đề nghị cho hưởng án treo? Pháp luật đã quy định rõ như ban ngày. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, loại việc mà có mức án. Ở đây tính chất hành vi nghiêm trọng, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đó là chết người, gây mất uy tín ngành công an và cả một nền tư pháp. Theo dư luận, với tính chất của sự việc, nếu vụ này mà cho hưởng án treo thì sau này các vụ khác cũng cứ cho treo hết à? Làm vậy sẽ gây bất bình dư luận xã hội lắm! Bao nhiêu vụ người dân cố ý gây thương tích đã lãnh án tù ra đấy. Tính chất, mức độ có thể phân hóa nhưng đúng ra phải truy tố năm bị cáo cùng một khung.
. Có ý kiến cho rằng tòa nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Quan điểm của ông thế nào?
+ Theo tôi, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung là sáng suốt nhất. Nếu tuyên án luôn là nguy hiểm lắm, vì dư luận không thể chấp nhận khi còn hàng loạt hành vi chưa được xem xét, tội danh còn thiếu, tội phạm còn để lọt.
Vụ này mà xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng ghê gớm lắm! Ảnh hưởng cả việc xét xử sau này của ngành tòa án.
. Xin cảm ơn ông!
TẤN LỘC
Còn đâu tính nghiêm minh của pháp luật? Việc đại diện VKSND TP Tuy Hòa đề nghị cho bốn bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Nguyễn Tấn Quang, Phạm Ngọc Mẫn và Đỗ Như Huy được hưởng án treo trong vụ án này khó có thể được tòa chấp nhận bởi nó không thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật. Vị đại diện VKS cho rằng bốn bị cáo này đã nhận tội, chỉ vì nóng vội hoàn thành nhiệm vụ, có nhiều thành tích trong công tác, chưa tiền án, tiền sự, đã xin lỗi, bồi thường một phần thiệt hại… Theo tôi, cho dù bốn bị cáo bị truy tố theo khoản 1 Điều 298 BLHS (có mức án từ sáu tháng đến ba năm tù) là tội ít nghiêm trọng nhưng lại không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS). Bởi không phải mọi trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Diễn biến phiên tòa cho thấy đây là vụ án có đồng phạm, thuộc trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vì đã gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (gây chết người, làm giảm uy tín hoạt động của cơ quan pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương). Vì vậy, nếu cho các bị cáo công an hưởng án treo sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng; không răn đe, phòng ngừa chung những tiêu cực trong hoạt động tư pháp, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tố tụng và niềm tin của nhân dân vào cơ quan nhà nước. Không phải cứ nhiều tình tiết giảm nhẹ là đương nhiên được hưởng án treo. Về mức án đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (bị truy tố theo khoản 3 Điều 298 BLHS, mức án từ năm năm đến 12 năm tù), tôi cho rằng Thành không có tình tiết giảm nhẹ nào quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS nhưng chỉ bị đề nghị ở mức khởi điểm là không tương xứng với hành vi phạm tội. (phần luận tội, VKS cho rằng Thành là người trực tiếp dùng dùi cui đánh nhiều cái vào đầu nghi can gây chấn thương sọ não - nguyên nhân dẫn đến cái chết.) Quá trình điều tra và tại phiên tòa, Thành luôn chối tội, không khai báo thành khẩn và không bồi thường. Kiểm sát viên TRẦN MINH SƠN, Phó Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp, TP.HCM PHƯƠNG LOAN ghi |
Dự kiến hôm nay (3-4) tòa tuyên án Sau ba ngày xét xử (từ ngày 26 đến 28-3), TAND TP Tuy Hòa đã tuyên bố nghị án (kéo dài) và dự kiến chiều nay (3-4) tòa sẽ tuyên án. Theo hồ sơ, khoảng 2-3 giờ sáng 13-5-2012, anh Ngô Thanh Kiều đang ngủ ở nhà thì bị công an đến còng tay bắt đi (dù không có lệnh bắt). Suốt ngày hôm đó, anh Kiều không được cho ăn uống và bị tra tấn, đánh đập liên tục. Đến chiều thì anh Kiều tử vong khi đang trên đường đưa đến bệnh viện. Giám định trên người anh Kiều có đến 72 vết thương khác nhau, do ngoại lực tác động. Biên bản pháp y cho thấy hầu hết nội tạng đều tổn thương. Giám định kết luận nguyên nhân tử vong do chấn thương sọ não. Năm công an tham gia xét hỏi, tra tấn và đánh chết anh Kiều bị truy tố về tội dùng nhục hình gồm Nguyễn Minh Quyền (thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (thiếu tá, đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa), Phạm Ngọc Mẫn (thượng úy), Đỗ Như Huy (trung úy) và thiếu úy Nguyễn Thân Thảo Thành (cả ba đều là cán bộ điều tra, trinh sát Công an TP Tuy Hòa). Trong đó, Thành bị truy tố theo khoản 3 Điều 298 BLHS (mức án từ năm năm đến 12 năm tù). Bốn bị cáo còn lại ban đầu bị truy tố khoản 2 nhưng sau bất ngờ được chuyển xuống truy tố khoản 1. Tại tòa, đại diện VKS đề nghị xử phạt Thành từ năm năm đến năm năm sáu tháng tù (giam), bốn bị cáo còn lại đều được đề nghị hưởng án treo. |