Vụ Nga-Ukraine: Các bên tranh cãi kịch liệt ở Liên Hiệp Quốc

Ngày 26-11 tại New York (Mỹ) diễn ra phiên họp khẩn về chuyện Nga bắt ba tàu Ukraine, theo yêu cầu của cả Ukraine và Nga, theo NPR.

Nga: Chính Ukraine khiêu khích trước

Ba tàu Ukraine xuất phát từ cảng Odessa ở biển Đen, theo lịch trình sẽ đi qua eo biển Kerch gần bán đảo Crimea để đến cảng Mariupol ở biển Azov. Sự việc xảy ra khi các tàu Ukraine cố gắng đi qua eo biển Kerch nhưng phía Nga không cho. Trước khi xảy ra chuyện Nga nổ súng và bắt, Nga đã triển khai một tàu hàng lớn chặn ngang lối giao thông dưới cây cầu Kerch không cho các tàu Ukraine đi qua.

Trong khi Ukraine thì nói các tàu mình di chuyển đúng quy định hàng hải quốc tế thì Nga cáo buộc Ukraine xâm phạm lãnh hải bất hợp pháp.

Tại cuộc họp, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Dmitry Polanski nói chính Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Ukraine đã khiêu khích đối đầu.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polanski trong phiên họp khẩn HĐBA ngày 26-11 ở New York (Mỹ) về việc Nga bắt tàu Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGES

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polanski trong phiên họp khẩn HĐBA ngày 26-11 ở New York (Mỹ) về việc Nga bắt tàu Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGES

Ukraine: Nghi Nga định chiếm thêm lãnh thổ

Trong khi đó các đại diện Ukraine và Mỹ tại LHQ lên án Nga nặng nề. Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko cho biết các tàu Ukraine đã dừng sau khi phía Nga dùng vũ lực cảnh báo để đợi Nga sắp xếp chuyện đi qua eo biển Kerch nhưng sau đó lại bị bắt. Ông Yelchenko cho biết ông có một số đoạn ghi âm sóng vô tuyến giao thông lúc đó cho thấy phía Nga đã dàn xếp chuyện này.

Eo biển Kerch (chấm đỏ ở giữa), nơi xảy ra sự việc Nga bắt ba tàu hải quân Ukraine. Ảnh: CNN

Eo biển Kerch (chấm đỏ ở giữa), nơi xảy ra sự việc Nga bắt ba tàu hải quân Ukraine. Ảnh: CNN

Theo ông Yelchenko, Ukraine đang nghĩ tới nguy cơ Nga đang lên kế hoạch xâm lược và chiếm thêm lãnh thổ của mình, chẳng hạn như các cảng Mariupol và Berdyansk, để củng cố, mở rộng thêm tầm kiểm soát các vùng biển quanh Crimea. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 26-11 cũng nói chuyện này đã được Nga lên kế hoạch nhằm leo thang tình hình vùng biển Azov và đây chưa phải là điều nghiêm trọng nhất.

Mỹ: Nga vi phạm chủ quyền Ukraine

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích mạnh Nga đã có “các hành động ngoài vòng pháp luật”, đề nghị Nga thả ngay các tàu và quân nhân, thủy thủ Ukraine.

“Điều chúng ta chứng kiến cuối tuần rồi là một sự leo thang bất cẩn nữa của Nga. Mỹ tiếp tục sát cánh với người dân Nga chống lại sự hiếu chiến của Nga” - bà Haley nói tại cuộc họp.

Theo bà Haley, việc Nga bắt ba tàu hải quân Ukraine gần Crimea là một “sự vi phạm lớn đến chủ quyền Ukraine”, là một sự leo thang bất cẩn nữa của Nga với Ukraine trong nhiều năm xung đột kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine năm 2014.

“Vì hòa bình và an ninh quốc tế, Nga phải ngay lập tức từ bỏ hành vi trái pháp luật và tôn trọng quyền lưu thông hàng hải và tự do của tất cả các nước” - bà Haley cứng rắn.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu tại phiên họp khẩn HĐBA ngày 26-11 ở New York (Mỹ) về việc Nga bắt tàu Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGES

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu tại phiên họp khẩn HĐBA ngày 26-11 ở New York (Mỹ) về việc Nga bắt tàu Ukraine. Ảnh: GETTY IMAGES

Dù nói “hành động leo thang này của Nga chỉ làm tình hình tệ hơn” nhưng bà Haley không nói liệu Mỹ có trừng phạt Nga vì vụ này không. Trước mắt, bà Haley khẳng định Mỹ sẽ duy trì các lệnh trừng phạt hiện tại với Nga quanh chuyện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 nhưng cũng nói chính phủ Trump “hoan nghênh một quan hệ bình thường với Nga”.

Bà Haley cho biết bà phát ngôn thay mặt cho “cấp cao nhất chính phủ Mỹ”, sau khi tham vấn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Lời lẽ này của bà Haley là một trong những phát ngôn trực tiếp mang tính chỉ trích nhất của chính phủ Trump với Nga, theo nhận định của CNBC.

NATO, EU: Nga phải thả ngay tàu Ukraine

Trong diễn biến khác, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 26-11 nói Nga “không có thẩm quyền” bắt các tàu Ukraine.

“Điều chúng ta chứng kiến ngày hôm qua rất nghiêm trọng, vì chúng ta thực sự thấy Nga dùng vũ lực chống lại Ukraine một cách công khai và trực tiếp. Chúng ta phải cho Nga thấy các hành động này sẽ có hậu quả” - CNN dẫn lời ông Stoltenberg.

Các tàu Ukraine được Nga đưa về cảng Kerch ở bán đảo Crimea. Ảnh: AFP

Các tàu Ukraine được Nga đưa về cảng Kerch ở bán đảo Crimea. Ảnh: AFP

Điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đó cùng ngày ông Stoltenberg cam kết NATO sẽ “ủng hộ toàn diện với sự toàn vệ lãnh thổ Ukraine”.

Họp báo ngày 26-11, người phát ngôn Liên minh châu Âu Maja Kocijancic cũng lên án Nga, yêu cầu Nga thả ngay các tàu và thủy thủ Nga.

Cùng ngày, Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Đức cũng ra tuyên bố lên án việc Nga bắt tàu Ukraine, đề nghị Nga thả các tàu này và khôi phục giao thông an toàn qua eo biển Kerch.

Hiện hai tàu chiến Berdyansk, Nikopol và tàu kéo Yana Kapu của Ukraine được Nga đưa về đậu tại cảng Kerch ở bán đảo Crimea.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm