Vụ nhà hàng Nari lột đồ quay phim khách: Lý do không khởi tố tội làm nhục người khác

(PLO)- Theo TS Trần Thanh Thảo, nếu hành vi lột đồ quay phim nhằm mục đích làm cho nạn nhân lo sợ, hoảng hốt để miễn cưỡng giao tài sản thì đây là thủ đoạn uy hiếp tinh thần nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định về tội cưỡng đoạt tài sản...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận 1, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam năm người là chủ và nhân viên của nhà hàng Nari (đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1) để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản.

Những người này gồm Nguyễn Quang Lợi (quê Bình Phước), Lê Duy (ngụ Bình Thạnh), Nguyễn Tiền Luân (ngụ quận 5), Lê Thị Phương Trâm (chủ nhà hàng, ngụ quận 1) và Phan Thị Kim Xuyến (trú quận 7).

Vụ nhà hàng Nari lột đồ quay phim khách: Lý do không khởi tố tội làm nhục người khác
Nhóm bị can là chủ, nhân viên nhà hàng Nari bị khởi tố. Ảnh: ĐC

Theo hồ sơ, rạng sáng 17-4, anh Đào Phi D (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đến nhà hàng Nari một mình để uống bia. Đến 4 giờ sáng cùng ngày, anh D tính tiền để ra về thì được nhân viên đưa hóa đơn với tổng số tiền là 10,1 triệu đồng.

Cho rằng có nhiều dịch vụ, món ăn không yêu cầu sử dụng, khác với tư vấn ban đầu nên anh D không đồng ý thanh toán.

Sau đó, nhóm này đã dùng nhiều lời lẽ, chửi bới xúc phạm anh D; đánh, tát, dùng chân đá vào người, vào bộ phận sinh dục của anh D ép phải thanh toán tiền…

Khi anh D đề nghị đến công an để giải quyết thì một phụ nữ trong quán lớn tiếng “Lột đồ nó ra, quay phim lại đăng lên mạng cho nó biết”. Nghe thế, Luân cùng Lợi và Duy khống chế và cởi hết quần áo của anh D để nhân viên nhà hàng quay video.

Lợi mở cửa để Duy đẩy anh D trong tình trạng bị lột sạch quần áo ra đường và đóng cửa lại. Anh D hoảng hốt xin vào trong thì Lợi mới mở cửa cho vào.

Tiếp đó, nhóm đã lấy thẻ tín dụng của anh D rồi quẹt thanh toán số tiền 9,5 triệu đồng...

Với những tình tiết kể trên, nhiều bạn đọc thắc mắc là nhóm này có nhiều hành vi (trong đó có hành vi lột đồ quay phim khách hàng), thì có phạm tội làm nhục người khác hay không? Vì sao chỉ khởi tố tội cưỡng đoạt tài sản?

Trao đổi với PLO, TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết để cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản thì người phạm tội phải thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được chủ và nhân viên của nhà hàng Nari thực hiện hành vi lột sạch đồ nạn nhân rồi quay clip nhằm mục đích làm cho nạn nhân lo sợ, hoảng hốt để buộc nạn nhân phải miễn cưỡng giao tài sản thì đây bị coi là thủ đoạn uy hiếp tinh thần nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định về tội cưỡng đoạt tài sản tại khoản 1 Điều 170 BLHS năm 2015.

Do đó, khi tình tiết này đã được áp dụng với tính chất là tình tiết định tội của tội cưỡng đoạt tài sản thì sẽ không áp dụng thêm một lần nữa tình tiết này để làm tình tiết định tội của tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS cho dù nạn nhân yêu cầu.

Tuy nhiên, theo TS Thảo, cần lưu ý về việc chủ và nhân viên của nhà hàng Nari có thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với nạn nhân để chiếm đoạt tài sản hay không. Bởi lẽ, trong cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản thì người phạm tội chỉ thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực chứ không thực hiện hành vi dùng vũ lực.

Trong trường hợp chứng minh được những người này trên thực tế đã thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với nạn nhân, làm nạn nhân không chống cự được để chiếm đoạt tài sản thì sẽ cấu thành tội cướp tài sản tại Điều 168 BLHS năm 2015. Còn nếu không chứng minh được hành vi này thì việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cưỡng đoạt tài sản là hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm