Vụ nhận chìm: Cách chức ông Hà Quốc Quân

Theo một nguồn tin của chúng tôi, tới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc họp để nghe các bộ báo cáo phương án giải quyết liên quan đến phương án xử lý khối lượng bùn, cát nạo vét ở nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).

Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan vừa có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất, toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Bộ TN&MT đánh giá chất nạo vét phát sinh trong quá trình hoạt động của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là rất lớn, lên đến 5 triệu m3 trong khi phương án nhận chìm vật liệu này ra biển tại khu vực này rất phức tạp. Do đó, cần thời gian để các nhà khoa học kiểm nghiệm và cần có các giải pháp lâu dài.

Lượng bùn, cát nạo vét ở các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân có thể sử dụng vào việc làm kè lấn biển  ở những nơi bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Trong ảnh: Một địa điểm sạt lở nặng ở thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, trong đó có nhiều nơi tại huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết, thị xã La Gi bị sạt lở cần có giải pháp san lấp. Phương án mở rộng cảng tổng hợp Vĩnh Tân cần được tiếp tục xem xét. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần tính toán thêm các phương án khác để có thể sử dụng đổ vật liệu nạo vét, trong đó có phương án sử dụng để san lấp vào các vị trí bị xói lở, xâm thực.

Trong một diễn biến khác liên quan, chiều ngày 10-8, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp. Ông Quân cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam - là đơn vị tư vấn cho dự án nhận chìm hơn 900.000 m3 bùn, cát nạo vét của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo đó, ông Quân bị kỷ luật bằng hình thức cách chức giám đốc vì đã có hành vi vi phạm pháp luật là thành lập doanh nghiệp tư nhân; tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ. Các hành vi nêu trên đã vi phạm các quy định về những việc viên chức không được làm và quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với viên chức.

Trước đó, viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Quân để kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật vì có liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển Bình Thuận.

Bộ Công Thương cũng đã thành lập tổ công tác làm việc với Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp để xác minh một số thông tin báo chí về việc ông Quân tham gia điều hành doanh nghiệp trong khi đang là viên chức tại Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp.

Từ kết quả xác minh cho thấy ông Quân vi phạm Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2012, Luật Viên chức. Cụ thể, theo các luật trên, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Quân vừa là viên chức của Bộ vừa tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong nhiều số báo trước đây, cả hai hồ sơ dự án nhận chìm (một ký vào tháng 2-2017 để trình các thành viên hội đồng thẩm định tại cuộc họp ngày 20-2 và một ký vào tháng 4-2017 để làm thủ tục cho Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm) đều do ông Hà Quốc Quân ký tên, đóng dấu với tư cách là tổng giám đốc đơn vị tư vấn. Một số nhà khoa học có tên trong danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án kèm theo trong các hồ sơ này đều đã phản ứng là không tham gia vào việc lập dự án này.

Trao đổi với chúng tôi sau đó về vấn đề này, ông Quân cho hay dự án này trước đây do đơn vị khác thực hiện. Theo ông Quân, dự án nhận chìm ở Bình Thuận mà ông có ký tên với tư cách là tổng giám đốc đơn vị tư vấn được phía công ty ông “kế thừa” và tiếp tục thực hiện.

“Khi tôi nhận lại dự án này thì đã có tên các nhà khoa học và cũng chưa hề gặp các nhà khoa học này. Hơn nữa, tôi chỉ là người kế thừa dự án này nên không thể bỏ tên các nhà khoa học đi vì mình phải tôn trọng người ta chứ”.

Khi PV đề cập đến vấn đề tại sao khi tiếp tục thực hiện dự án lại không kiểm tra chặt chẽ thì ông Quân thừa nhận: “Đây là lỗi kỹ thuật do mình không kiểm soát được…”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.