Chiến dịch tranh cử Quốc hội Anh đã được nối lại ngày 26-5 sau thời gian tạm ngưng do vụ đánh bom tự sát xảy ra sau khi ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande biểu diễn tại nhà thi đấu Manchester bốn hôm trước.
Củng cố cũng không tránh khỏi khủng bố
Sau vụ đánh bom, an ninh đột nhiên trở thành chủ đề chính trong chiến dịch tranh cử. Nhiều ứng cử viên đã chỉ trích vụ đánh bom ở Manchester xảy ra do cơ quan tình báo Anh quá kém cỏi.
Sau các vụ tấn công đồng loạt ở thủ đô London vào tháng 7-2005 (bốn vụ đánh bom tự sát tại ba toa tàu điện và xe buýt làm 56 người chết và 700 người bị thương), lực lượng an ninh Anh đã được tái cấu trúc toàn diện. Các nhân viên an ninh được điều động đi khắp cả nước thay vì chỉ tập trung tại thủ đô như trước.
Tổng cục An ninh (MI5) tuyển thêm 1.000 nhân viên, tăng quân số lên 5.000 người. Tổng cục Tình báo (MI6) cũng tăng quân số từ 2.500 lên 3.500 nhân viên. Hai cơ quan này thường xuyên liên lạc với Cục An ninh quốc gia Mỹ để thu thập thông tin nghe lén. MI6 còn khoe đã cài cắm thành công nhiều điệp viên vào hàng ngũ chỉ huy cấp cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thật ra nước Anh đã lường trước sẽ xảy ra tấn công khủng bố như Giám đốc MI5 Andrew Parker trả lời báo The Guardian vào cuối năm 2016. Thế nhưng năm 2017 vẫn xảy ra hai vụ tấn công vào ngày 22-3 (lao ô tô tông vào đám đông trên cầu Westminster ở London và đâm cảnh sát làm năm người chết, 49 người bị thương) và ngày 22-5 vừa qua.
Ngoài ra, cơ quan an ninh Anh cũng bị chỉ trích không triển khai biện pháp bảo vệ an ninh hiệu quả tại các tụ điểm biểu diễn tập trung đông người. Nhiều khán giả đến xem ngôi sao Ariana Grande biểu diễn hôm xảy ra vụ đánh bom 22-5 phản ánh họ thoải mái mang theo túi xách mà không phải qua máy dò kim loại hay bị ai khám túi.
Báo Le Figaro đánh giá nếu Anh thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh như ở Pháp, có thể vụ đánh bom tự sát ngày 22-5 sẽ khó có khả năng xảy ra.
Biếm họa của Adam Zyglis (báo Mỹ The Buffalo News).
Quy trình bảo vệ khán giả ở Pháp
Tại Pháp, sau vụ bọn khủng bố tấn công nhà hát Bataclan ở Paris hôm 13-11-2015, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các nhà sản xuất và các chủ rạp xây dựng quy trình rất chi tiết để bảo đảm an ninh cho khán giả.
Ông Hubert Weigel, Giám đốc Sở Cảnh sát Paris, trực tiếp đảm nhiệm nhiệm vụ liên hệ giữa giới nghệ thuật biểu diễn và Sở Cảnh sát.
Các nơi diễn ra hoạt động văn hóa như không gian kín, không gian công cộng hay phòng biểu diễn đều được áp dụng quy trình bảo vệ.
Quy trình bảo vệ được thực hiện như sau:
. Xung quanh khu vực biểu diễn: Phạm vi an ninh xung quanh phòng biểu diễn được gọi là “vùng đất không người”. Đây là phạm vi tuần tra của chó nghiệp vụ, cảnh sát đặc nhiệm và cảnh sát.
Khán giả phải đến sớm và không được mang ba lô. Đến trước hàng rào bảo vệ, khán giả phải chờ 30-45 phút. Hàng rào bảo vệ có nhiều hay ít quân tùy diễn viên và đối tượng khán giả.
Khán giả phải qua ba lớp kiểm soát gồm khám túi xách, đi qua máy dò kim loại và khám xét bằng tay. Các vùng dưới cánh tay và xung quanh thân người là những nơi bị chú ý nhất. Chốt kiểm soát sẽ được bố trí hai hàng riêng dành cho nam và nữ.
. Bên trong khán phòng: Cảnh sát mặc sắc phục, nhân viên an ninh và cảnh sát mặc thường phục đã được bố trí trên các bậc tam cấp và khu vực dưới sân khấu.
Rất dễ phân biệt các lực lượng này vì họ không quan tâm theo dõi những gì biểu diễn mà chỉ quan sát công chúng, đặc biệt là những người đứng lên đi vệ sinh hay đi tìm đồ uống. Sau hậu trường, các nhân viên cũng phải chịu giám sát. Các nhà sản xuất nắm danh sách chi tiết các nhân viên kỹ thuật và người nhà của các diễn viên.
. Cuối buổi biểu diễn: Buổi biểu diễn kết thúc, khán giả sẽ đến bãi đậu xe, trạm tàu điện hay tàu cao tốc. Nhân viên an ninh với chó nghiệp vụ, cảnh sát đặc nhiệm và cảnh sát đã được bố trí dọc hành lang dài dẫn đến các phương tiện giao thông công cộng. Khán giả sẽ có cảm giác như được hộ tống.
Chính phủ Mỹ nhận trách nhiệm giùm báo chí Mỹ Đến nay cảnh sát Anh đã bắt giữ chín nghi can trong khuôn khổ điều tra vụ đánh bom tự sát ở Manchester. Cảnh sát cho biết phần lớn mạng lưới thánh chiến liên quan đến vụ đánh bom đã bị phá và cảnh sát vẫn đang tiếp tục khai thác các đầu mối quan trọng. Vụ đánh bom ở Manchester đã làm 22 người chết, 116 người bị thương, trong đó 66 người vẫn còn nằm bệnh viện. Hung thủ Salman Abedi, 22 tuổi, sinh tại Anh có cha mẹ là người gốc Libya. Quả bom sử dụng là bom tự tạo trang bị ngòi nổ rất tinh xảo. Ngày 26-5 (giờ địa phương), để bày tỏ tình đoàn kết, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến London thăm chớp nhoáng. Trong hội đàm với người đồng cấp Boris Johnson (bên phải ảnh), ông Tillerson (bên trái ảnh) tuyên bố chính phủ Mỹ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố báo chí Mỹ tiết lộ thông tin điều tra của cảnh sát Anh. Hôm trước đó, tại hội nghị NATO ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị Tổng thống Donald Trump về vấn đề giữ bí mật thông tin điều tra của Anh. Ông Trump đã hứa sẽ truy trách nhiệm người tiết lộ tin mật. |