Vụ Phở Hòa: Công an đã làm gì trong 8 lần người dân trình báo?

Quán Phở Hòa Pasteur liên tục bị tạt mắm tôm, chất bẩn.

Không khó nhận ra tình trạng đòi nợ thuê đang dần biến tướng bằng những chiêu thức ngày càng mạnh tay hơn. Đòi nợ bằng cách tạt chất bẩn xảy ra ở rất nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM: quận 3, 4, 11, 1, Bình Tân… Thậm chí có những vụ việc từng gây xôn xao dư luận xã hội khiến người dân bất an bởi sự hoành hành, tác oai tác quái của những nhóm người này, chẳng hạn vụ cô giáo viết đơn "xin" xã hội đen để được bình yên, đi dạy học ở Bình Tân (xảy ra vào tháng 10-2018)…

Từng theo dõi nhiều vụ đòi nợ thuê bằng cách sử dụng băng nhóm tạt chất bẩn, bắt giữ người… tôi nhận thấy có rất nhiều vấn đề xoay quanh câu chuyện này. Trong đó có hai vấn đề nổi cộm. Một là nạn nhân bỏ trốn gây khó cho quá trình xử lý của công an. Hai là thái độ của lực lượng công an khi tiếp nhận vụ việc.

Nạn nhân bỏ trốn

Điểm chung của nhiều gia đình bị đòi nợ hiện nay là con nợ bỏ trốn, để lại đống nợ cho gia đình gánh. Vụ xảy ra ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), vụ quận 11, quận 1, quận 4... mới đây nhất là vụ Phở Hòa Pasteur (quận 3)...

Nhiều người hỏi tại sao công an không giải quyết, tại sao không bắt bỏ tù nhóm tạt sơn, mắm tôm đó. Thậm chí có vụ bắt rồi lại thả ra?

Nguyên nhân vì không có nạn nhân. Cụ thể là người đứng ra vay mượn tiền, sau khi mượn được tiền trả không nổi đã bỏ trốn. 

Một nhóm đòi nợ gây náo loạn ở quận 3, TP.HCM năm 2017. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Không chỉ những vụ việc đòi nợ thuê bằng hình thức xã hội đen như tạt mắm tôm, chất bẩn... mà án trộm cắp, cướp giật... đều phải có nạn nhân. Không có nạn nhân cơ bản là thua. 
Muốn xử lý hình sự những vụ việc này không dễ: Nếu hủy hoại tài sản thì phải giám định giá trị tài sản, xem có đến mức để xử lý hình sự hay không... 

Thái độ làm việc của công an

Trong vụ Phở Hòa mới đây, điều khiến người dân bức xúc hơn cả là thái độ làm việc của công an. 

Chúng ta khoan bàn tới chuyện bắt được hay không nhóm tạt sơn, chất bẩn vì hình ảnh camera cũng chỉ là tư liệu thôi, bắt được đã khó, chưa kể khả năng lớn không xử lý được hình sự. 
Nhưng tại sao dân trình báo đến tám lần vẫn bị tạt sơn, mắm tôm, mà hai ngày gần nhất là 30 và 31-7. Một, hai lần còn có thể hiểu nhưng tám lần liên tục người dân bị đe dọa như vậy, đến nỗi họ phải tìm đến báo chí. 

Người dân tại Phở Hòa đã nhiều lần kêu cứu với công an.

Vẫn biết có vay có trả, đã chấp nhận chơi phải biết luật chơi. Có những người cờ bạc, gái gú... không có khả năng trả nợ nhưng vẫn được cho vay... để rồi khi người này bỏ trốn, họ tìm đến "túm tóc" người thân con nợ. Vấn đề ở đây là cách thức những nhóm tạt sơn này đòi người thân phải trả. 

Cũng cần nhắc lại đã từng có vụ người nhà con nợ bị đâm chết ở phường 2, quận 3 hồi tháng 11-2018.

Dẫu biết công an phường rất nhiều việc nhưng nếu người dân mới trình báo hoặc không trình báo thì là một câu chuyện khác, đằng này trong vụ Phở Hòa, người nhà đã đến công an trình báo tám lần, nghĩa là họ đã kêu cứu tới tám lần, kết quả vẫn bị khủng bố. Người dân có quyền đặt câu hỏi: Công an đã làm gì, công an đang ở đâu?

Chẳng lẽ phải có án mạng xảy ra rồi công an mới vào cuộc?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm