Vụ thẩm phán bị bắt nhận hối lộ 500 triệu: Người đưa hối lộ có thoát tội?

(PLO)- Theo quy định, trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã đưa tin, Cơ quan Điều tra của VKSND Tối cao đã bắt quả tang đối với ông Võ Đình Sớm, Thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai khi đang có hành vi nhận hối lộ 500 triệu đồng của đương sự tại phòng làm việc.

Được biết, ông Sớm là thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết một vụ án dân sự tại Gia Lai. Ông Sớm đã nhận 500 triệu đồng của đương sự trong vụ án dân sự này.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc về khả năng được miễn trách nhiệm hình sự với người đưa hối lộ? Bởi thực tế có nhiều người bị ép vào thế buộc phải đưa tiền.

Luật sư (LS) Trần Thị Thanh Thảo (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, Điều 364 BLHS quy định người nào đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác lợi ích vật chất từ hai triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, có thể phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, dùng tài sản của nhà nước để đưa hối lộ từ 500 triệu đồng đến dưới một tỉ đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Trường hợp của hối lộ từ 500 triệu đồng đến dưới một tỉ đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm. Người đưa hối lộ có thể bị phạt tù đến 20 năm nếu của hối lộ trị giá 1 tỉ đồng trở lên.

LS Thảo cũng cho biết, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Trong đó, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020 của HĐTP TAND Tối cao thì "chủ động khai báo trước khi bị phát giác” là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.

“Lợi ích vật chất khác” là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự. Ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch, ...

“Lợi ích phi vật chất” là những lợi ích không phải lợi ích vật chất.Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục,...

Như vậy, trong vụ án này, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành điều tra, lấy lời khai các bên, đánh giá lời khai, chứng cứ trong vụ việc xem có yếu tố ép buộc đưa hối lộ hay không, từ đó xác định người đưa tiền có thuộc trường hợp không có tội hay được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.

Theo điểm c, Khoản 2, Điều 29 BLHS người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm