Vụ 'TikToker ngồi xe lăn tố quán phở': Sự thật dần sáng tỏ

(PLO)- Trong vụ "TikToker ngồi xe lăn tố quán phở”, dù là người bình thường hay người khuyết tật đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi sử dụng mạng xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TikToker VML (một người khuyết tật trong vụ "TikToker ngồi xe lăn tố quán phở”) và bài đăng trên Facebook của mình đang trở thành tâm điểm dư luận trong những ngày qua. Theo đó, TikToker ngồi xe lăn này cho biết đã hai lần bị từ chối phục vụ khi đi ăn phở ở Hà Nội chỉ vì lý do “ngồi xe lăn”.

Dư luận nghi ngờ

Theo bài đăng của VML, tại quán ăn thứ nhất có bậc tam cấp, khi bạn gái đi cùng nhờ người đưa VML vào trong, nhân viên của quán bảo “quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”.

Quán thứ hai là một quán phở gà quen thuộc ở phố Nam Ngư, quận Hoàn Kiếm. Theo VML, vì quán chật chội nên xe lăn phải chen vào chỗ bà chủ ngồi bán hàng dẫn đến bị miệt thị “ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”.

Ban đầu, bài đăng nhận được nhiều sự thương cảm nhưng sau đó các bình luận dần dần nghi ngờ về tính xác thực của vấn đề.

Trao đổi với chúng tôi, chủ quán phở Lâm ngày 15-1 cũng đã phủ nhận thông tin nói trên, đồng thời trích xuất camera về vụ việc. Theo chủ quán này, sau khi nam thanh niên đi xe lăn cùng bạn gái dùng bữa xong, nhân viên của quán tiếp tục hỗ trợ đẩy xe lăn của anh này ra ngoài.

TikToker ngồi xe lăn
Bài đăng của VML nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng, Sở TT&TT TP Hà Nội đã vào cuộc xác minh vụ TikToker ngồi xe lăn. Ảnh: XUÂN NGUYỄN

Đại diện Thanh tra Sở TT&TT TP Hà Nội ngày 16-1 cho biết vẫn đang xác minh thông tin từ hai phía. Trong trường hợp phát hiện TikToker ngồi xe lăn dựng chuyện để câu view sẽ bị xử phạt, kể cả người khuyết tật.

Trở lại bài đăng của VML, khi nhiều người đề nghị cung cấp thông tin về hai quán phở thì TikToker này không trả lời. Điều này càng khiến dư luận nghi ngờ về tính xác thực của bài đăng.

“Nếu những gì bạn viết là thật thì bạn có thể nêu tên quán được không? Mình là người gốc Huế (miền Trung), sống lâu năm ở TP.HCM (miền Nam), năm nào mình cũng đi Hà Nội (miền Bắc) du lịch hoặc công tác. Nhưng chưa bao giờ thấy có quán nào lại đối xử như vậy với người khuyết tật…” - tài khoản tên Nhi Nhi nêu quan điểm và có đến 13.000 lượt thích.

“Nếu bạn có phản ánh quán nào thì nêu hẳn tên. Đừng đánh đồng tất cả người Hà Nội” - bạn Huyền Nguyễn bày tỏ.

Sau một ngày nhận nhiều ý kiến trái chiều, nam TikToker đã khóa bình luận, đồng thời giới hạn các bài viết cũ. Nhưng theo thời gian, lượng người tiếp cận bài viết cũng như thể hiện cảm xúc phẫn nộ đã tăng đột biến với gần 20.000 lượt, gấp nhiều lần lượt thích.

Cần tuân thủ pháp luật

Liên quan đến câu chuyện của TikToker VML, ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD), cho biết bất kỳ ai khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội cần phải đảm bảo mô tả đúng, chính xác câu chuyện, không làm sai lệch bản chất vấn đề.

“Cơ quan chức năng sẽ kết luận đúng - sai, còn tôi xin phép không bình luận gì thêm. Sau khi các cơ quan chức năng đưa ra kết luận, nếu ai sai ở đâu thì mình sửa ở đó, nếu VML đăng thông tin sai thì cần phải chịu trách nhiệm và nhận lỗi, ông bà ta có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” - ông Cử nêu quan điểm.

Cũng theo phó giám đốc Trung tâm DRD, dù câu chuyện xảy ra với cá nhân VML nhưng bên dưới bài viết lại có nhiều người bình luận tiêu cực với người khuyết tật là không nên, đó cũng là một dạng phân biệt đối xử.

“Chúng ta chỉ nên đưa ra nhận xét về hành vi trong vụ việc đó chứ không nên nói về sự khuyết tật của VML và cộng đồng người khuyết tật. Điều đó không khách quan” - ông Cử cho biết thêm.

w-P13_tiktoker-ngoi-xe-lan_h2.jpeg
Quán phở gà Lâm (số 7 phố Nam Ngư) xuất hiện trong bài viết của TikToker ngồi xe lăn VML.
Ảnh: XUÂN NGUYỄN

Hiện vụ TikToker ngồi xe lăn đang trong quá trình xác minh, tuy nhiên, có thể thấy một điều dù là người không khuyết tật hay người khuyết tật thì đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi sử dụng mạng xã hội.

Luật cấm phân biệt đối xử với người khuyết tật

Giả sử trên thực tế có việc người khuyết tật gặp phải tình huống bị phân biệt đối xử thì họ nên làm gì?

Người khuyết tật có quyền tham gia các hoạt động xã hội. Từ chối phục vụ người khuyết tật là sai. Pháp luật nghiêm cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.

Điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 130/2021 quy định người nào kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.

Đa phần tâm lý của người khuyết tật là tự ti nên nhiều trường hợp im lặng và bỏ đi sau đó có phản ứng thái quá. Tuy nhiên, việc phản ứng lại ngay lúc đó là việc làm cần thiết và nên làm ngay khi bị phân biệt đối xử bởi trong thực tế có nhiều người không cố tình mà chỉ vô tình có lời nói, hành động chưa đúng.

Nếu người khuyết tật đã góp ý mà vẫn không có sự thay đổi hoặc sự việc đi theo hướng tệ hơn thì có thể phản ánh đến chính quyền địa phương, trung tâm trợ giúp pháp lý… nhưng cần thu thập lại bằng chứng để được hỗ trợ, xử lý theo quy định.

Ông NGUYỄN VĂN CỬ, Phó Giám đốc Trung tâm DRD

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm